Bất ổn và lệch lạc

Có lẽ chưa bao giờ, chỉ trong vòng một tháng, đời sống văn hóa nghệ thuật trong cả nước lại náo động đến vậy. Nói là náo động, bởi vì cùng một lúc có nhiều vụ việc xảy ra thu hút sự quan tâm của công chúng, nhưng cũng khiến cho lòng người cảm thấy bất an: Từ chuyện ca sĩ Lệ Rơi, đến phim Căn hộ 69 tràn ngập cảnh nóng, rồi chuyện lùm xùm quanh những người nổi tiếng và văn hóa sách… Những diễn biến của các vụ việc này cho thấy đời sống văn hóa nghệ thuật đang bất ổn, thiếu định hướng.

Bất ổn thứ nhất xoay quanh số phận của một chàng trai miệt vườn. Yêu ca hát, anh chàng tự ghi âm giọng hát của mình với một chút say mê, một chút tếu táo, hài hước rồi tung lên mạng. Người chê, kẻ thích cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, câu chuyện ca hát của chàng trai này đã bị đẩy đi quá xa. Chàng nhanh chóng nổi tiếng, rồi được mời mọc đi hát sô, với số cát-sê… khủng.

Sự nổi tiếng nhanh như chớp, dễ kiếm tiền của Lệ Rơi đã khiến nhiều người… ngỡ ngàng, khiến công chúng hoang mang. Những giá trị chuẩn mực của lao động nghệ thuật bị đảo lộn. Những kẻ tài năng ít ỏi thì tìm thấy ở đây một vài chiêu thức để dễ nổi danh. Còn các nghệ sĩ tài năng cả đời đổ mồ hôi, nước mắt vì lao động nghệ thuật thì nén tiếng thở dài ngao ngán. Nghệ thuật có còn là sự khổ luyện?!

Bất ổn thứ hai mang đậm sự âu lo của triệu triệu phụ huynh khi thấy con em mình thoải mái thưởng thức những cảnh “nóng” từ bộ phim Căn hộ số 69 được tung trên mạng. Chỉ với những cảnh hở ngực và khoe đồ lót mà bộ phim này đã câu được cả triệu lượt view. Bình thường, một bộ phim muốn ra mắt công chúng bắt buộc phải trải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt khắt khe, thì một bộ phim vô bổ, phản giáo dục lại vô tư tiếp thị, truyền bá, trình chiếu… cho cả cộng đồng. Đó là điều bất thường.

Sự bất ổn thứ ba mang tên của những người nổi tiếng. Trong khi rất nhiều đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa nâng niu, dán lại từng trang sách cũ để đọc, trong khi các thầy cô giáo, phụ huynh đang hướng các em tới văn hóa đọc, trân quý từng trang sách, nhiều tổ chức xã hội tổ chức quyên góp sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thì ở một chương trình truyền hình, người ta kê ghế lên sách để… ngồi.

Có thể thấy, tất cả những vụ việc trên đang được truyền tải tới đại chúng một cách mạnh mẽ: những tác động xấu, lệch chuẩn, thiếu văn hóa và phi nghệ thuật. Trong câu chuyện của Lệ Rơi, mọi chuyện sẽ không đi xa đến thế, nếu không được một số đơn vị truyền thông bơm, thổi rồi đẩy. Thậm chí, có không ít công ty, sớm thấy mùi của đồng tiền, hơi hướng của đám đông đã nhanh chóng tuyên bố độc quyền thông tin về hiện tượng này, rồi tổ chức event này nọ để tận dụng.

Hay sự xuất hiện của bộ phim… nóng cũng không phải là từ trên trời rơi xuống. Phim có tên tuổi của đạo diễn, của diễn viên hẳn hoi. Chắc chắn họ là những người đều biết sự tác hại từ sản phẩm của mình nhưng vẫn cố tình làm để câu khách, câu view, kiếm lợi.

Chưa kể, sự bất ổn này còn do sự lơi lỏng của chính các cơ quan nhà nước trong việc quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Còn chuyện lùm xùm về sách kê ghế ngồi, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà đài và những người thực hiện chương trình. Có trọng trách trong việc định hướng thẩm mỹ, văn hóa cho công chúng, những nhà hoạt động văn hóa, những người của công chúng luôn phải có sự cân nhắc, nhạy cảm với việc làm của mình, phải lên án những hành vi phản cảm, vô văn hóa mới đúng. Vậy mà…

Mạng xã hội đang là một câu chuyện dài, mang dấu ấn của thời đại. Nó sẽ có tác động rất mạnh mẽ tới giới trẻ, với đời sống văn hóa xã hội. Có thể thấy, trong các vụ việc vừa qua, các cơ quan quản lý văn hóa đã hoàn toàn bị động, lúng túng. Để có thể tự cứu mình, cứu cho con trẻ của chúng ta một bàn thua trông thấy, rất nhiều bậc phụ huynh, các nhà hoạt động xã hội đã lên kế hoạch để… tiến công vào mạng xã hội theo cách của mình, góp phần giảm tải những tác động xấu. Họ bắt đầu lập trang, liên kết, chia sẻ, bày tỏ chính kiến… để giúp con trẻ cân bằng, định hướng, bớt đi những cái nhìn lệch lạc.

Và… cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại vai trò của các hội văn học nghệ thuật cũng như đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo. Thời gian qua, đối diện với thị trường, với thế giới mạng, các tác phẩm hay, hấp dẫn công chúng nước ta dường như ngày càng mỏng, càng thưa. Xã hội ngày càng phát triển, giới trẻ đang rất cần những sáng tác mới vừa mang tính định hướng, vừa thể hiện được nhịp điệu, hơi thở của cuộc sống đương đại. Chúng ta không thể né tránh mà cần có chiến lược căn cơ, bài bản, thực tế để có thể động viên nguồn lực, sáng tạo ra những tác phẩm hay, chinh phục được trái tim của đông đảo công chúng.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục