Gian nan chống ngập

Cơn mưa trưa 30-4 kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, lượng mưa không lớn, cũng không phải lúc triều cường nhưng lại gây ngập nhiều tuyến đường ở TPHCM. Vậy là sau những ngày dài chịu đựng cái nắng như thiêu đốt, sự ngột ngạt vì khói bụi, nay người dân thành phố lại phải chịu đựng thêm tình trạng ngập vốn đã diễn ra nhiều năm qua mỗi khi mùa mưa đến.

Ngập là nỗi ám ảnh đối với cư dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại một số khu vực ở TPHCM nói riêng, một số đô thị lớn nói chung. Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể; các cơ quan chức năng đã có không ít nỗ lực trong công tác chống ngập, thế nhưng cứ mỗi khi mùa mưa đến, tình trạng ngập lại diễn ra nhiều nơi. Theo tính toán của cơ quan chức năng, hiện nay có hơn 90 điểm ngập, trong đó có nhiều điểm ngập nặng.

Tình trạng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn, triều cường không chỉ gây khó khăn cho người dân đô thị trong các sinh hoạt đời sống mà còn gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế.

Mỗi khi bị ngập, các nhà hàng, cửa hàng, tiệm tạm hóa, chợ… bị giảm mạnh lượng khách mua sắm, tiêu dùng; các nhà xưởng, cơ sở sản xuất buộc phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất; các kho chứa hàng bị thiệt hại sản phẩm, hàng hóa - nhất là các loại nông sản, thực phẩm… nếu không kịp di dời. Trong một số trường hợp có thể gây thiệt hại tính mạng khi rò rỉ điện, người đi đường bị té ngã vào miệng cống thoát nước. Những tai nạn thương tâm đã từng xảy ra, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân.

Đối với một số khu dân cư trên địa bàn thành phố, tình trạng ngập diễn ra khá thường xuyên, nhất là những khi có triều cường. Tình trạng ao tù, nước đọng không chỉ cản trở sự đi lại, học hành, làm việc của người dân mà còn làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Các nhà khoa học đã từng cảnh báo về tình trạng sụt lún mặt đất của nhiều đô thị lớn trong khu vực và thế giới, trong đó có TPHCM. Sức ép của những khối nhà cao tầng, các khu đô thị hoành tráng, hiện đại cùng với sự thiếu hụt nước do bị sử dụng quá mức trong hệ thống nước ngầm tự nhiên dưới lòng đất đã khiến nhiều đô thị lớn ngày càng bị… lún. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều khu đô thị, các công trình quy mô lớn ở phía thoát nước của dòng chảy cũng góp phần khiến nạn ngập lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, cống ngăn triều, khơi thông dòng chảy nhiều kênh rạch; nhiều cuộc hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia tên tuổi đã được tổ chức; một số giải pháp chống ngập đã được đưa ra… Thế nhưng đến nay, ở nhiều nơi ngập vẫn hoàn… ngập.

Nạn ngập lụt đã và đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn trong khu vực, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế - xã hội. Các thủ đô như Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan)… đều đã từng bị chìm trong nước lụt. Trong đó, trận vỡ đê khiến nước sông tràn vào Bangkok gây thiệt hại hàng chục tỷ USD vào năm 2011 là đỉnh điểm của tình trạng ngập lụt ở các đô thị lớn. Sự phát triển quá nhanh của các khu đô thị, tình trạng bế tắc dòng chảy tự nhiên cùng với sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt trong những năm qua đã khiến nạn ngập lụt ở các đô thị lớn trở thành hiểm họa thật sự.

Tại TPHCM, các địa phương và cơ quan chức năng về chống ngập đã có không ít nỗ lực để hạn chế tình trạng ngập mỗi khi có mưa, triều cường. Một số kênh rạch tiếp tục được khơi thông; hệ thống ngăn triều, tiêu thoát nước được củng cố; việc xây dựng một số hồ điều tiết để thu giữ nước mưa cũng được tính đến.

Tuy nhiên, như nhận xét của một số chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch chống ngập tổng thể có tính khả thi, hiệu quả cao. Sự phối hợp giữa một số địa phương và cơ quan chức năng về chống ngập chưa thật chặt chẽ; các giải pháp chống ngập còn thiếu tính đồng bộ.

Chống ngập - nhất là đối với một thành phố có diện tích rộng lớn, dân số đông, nhiều khu dân cư nằm ở khu vực thấp trũng, nhiều kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm… như TPHCM là việc không đơn giản, khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Thực tế cho thấy, “cuộc chiến” chống ngập còn lắm gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của chính quyền thành phố, cơ quan chức năng về chống ngập. Đặc biệt là sự chia sẻ, chung tay của cả cộng đồng.

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục