Tinh giản biên chế và đạo đức công vụ

Mới đây, thông tin Giám đốc Công an TP Hà Nội đề xuất lãnh đạo TP quyết định cấm cán bộ, công chức la cà hàng quán trong giờ làm việc nhằm chấn chỉnh tác phong của cán bộ công chức đã gây sự chú ý của dư luận. Đề xuất này được đưa ra, khi Hà Nội triển khai giải pháp thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Nhiều ý kiến cho rằng có nên đề xuất một lệnh “cấm” tưởng không cần phải cấm, vì đó là lẽ hiển nhiên, khi cả nước đang thực hiện Luật Công chức, luật viên chức. Nếu ai vi phạm thì theo quy định phải xử phạt, chứ không cần có thêm bất cứ lệnh cấm nào.

Cũng cần phải nói đề xuất này cũng có lý của nó, bởi lẽ việc công chức la cà hàng quán ảnh hưởng tới công việc lại rất phản cảm không phải là hiếm. Người dân cũng đã ta thán về việc nhiều công chức dù đi làm đúng giờ nhưng đến cơ quan mở cửa, bật máy vi tính, máy lạnh sau đó ra... quán ăn sáng, cà phê đã chiếm đến mất 1/2 buổi làm việc. Nhiều cán bộ có thói quen giao dịch trao đổi công việc bên ly cà phê, ly bia... gây phiền toái cho người dân, doanh nghiệp. Những bức xúc về thói quen la cà, ăn bớt thời gian làm việc, giải quyết công việc chậm trễ... chỉ là những biểu hiện bề nổi về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó còn là sự phiền toái do thói cửa quyền, trình độ hạn chế, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng làm dư luận “dậy sóng” khi đặt vấn đề rằng có tới khoảng 30% công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Từ góc độ địa phương, tại một hội nghị của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng từng khẳng định, đội ngũ cán bộ công chức không làm được việc chắc chắn cũng phải cỡ 2 con số, còn nếu ở đâu báo cáo 1% - 2% thì không thể tin!

Theo dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ công bố, bộ này đang lấy ý kiến nhân dân và các bộ ngành, địa phương về việc tinh giản biên chế khoảng 100.000 người từ nay đến năm 2020, trong đó có khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Bộ Nội vụ kỳ vọng điều này sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, thật sự giảm được những người cần giảm. Thế nhưng, tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra ngày 1-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình than thở, bộ ngành, địa phương nào cũng muốn tăng biên chế. Dù Bộ Nội vụ kiên quyết từ nay đến năm 2016 không tăng tổng biên chế, nhưng điều đó cho thấy tâm lý mở rộng bộ máy đã ăn sâu vào các bộ ngành, địa phương. Bởi dù đang trong thời gian thực hiện đề án cải cách công vụ, công chức, tinh giản biên chế nhưng nơi nào cũng muốn tăng thêm thay vì bớt. Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức làm thiếu nghiêm túc nên tỉnh nào, bộ ngành nào cũng báo cáo lên là tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ 0,5% - 0,6%. Đó là lý do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Nội vụ phải thanh tra, giám sát để đưa ra cách đánh giá xác thực nhất để có căn cứ thực hiện tinh giản biên chế thành công.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức không tinh, không gọn là do tình trạng chạy việc vẫn diễn ra, do chế độ thi cử đầu vào không nghiêm. Ông Trịnh Văn Chiến cho hay, năm 2013 tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thi tuyển công chức tuyệt đối bí mật, khách quan, không có chuyện “gửi gắm” thì kết quả kỳ thi tuyển chỉ có 120/419 thí sinh đậu. Trong khi các năm trước tỷ lệ đậu là 100%. Điều đó cho thấy, cách thức tuyển công chức hiện nay thật sự có vấn đề, chất lượng không đảm bảo, tác động rất lớn đến chất lượng đội ngũ nói chung, làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy công quyền. Vì thế, người dân kỳ vọng phải thay đổi ngay từ khâu tuyển dụng, đánh giá cán bộ công chức thực chất để thay đổi cung cách quản lý, bố trí đúng việc, đúng người để bộ máy thật sự tinh gọn, phục vụ nhân dân hiệu quả.

Trở lại với đề xuất cấm cán bộ, công chức la cà hàng quán trong giờ làm việc của Hà Nội, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đề xuất cấm đó chỉ là mệnh lệnh hành chính, là diệt cái phần ngọn. Nguyên nhân là do việc ít người nhiều, rảnh rỗi mới sinh ra la cà quán xá, đọc báo, xem phim trong giờ làm việc. Nếu tinh giản bộ máy, thời gian rỗi không còn thì cán bộ, công chức mới làm việc hết công suất. Đó mới là xử lý từ gốc.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục