Áp chế “Giờ vàng”

Dư luận gần đây đề cập nhiều đến hiệu quả đích thực của việc phân bổ, sử dụng “Giờ vàng” trên sóng truyền hình - nhất là ở các đài lớn, có khả năng phủ sóng trên phạm vi cả nước. Giờ vàng - giờ thuận tiện nhất đối với tuyệt đại đa số người xem, luôn là thời điểm quý giá của cả nhà đài lẫn đông đảo người xem. Vào thời điểm này, màn hình xuất hiện những tiết mục, chiêu trò gì và như thế nào, tác động rất lớn đối với mọi phía. Riêng với khối văn nghệ - giải trí, chúng ta chủ trương tuyển chọn đưa vào giờ vàng chỉ những tác phẩm, tiết mục xuất sắc nhất, có tính tư tưởng và giá trị thẩm mỹ cao. Chủ trương đó đã phát huy tác dụng thực tế. Một số bộ phim điện ảnh và truyền hình khá nhất đã được diễn chiếu, được người xem hoan nghênh.

Nếu mấy năm trước, “Ma làng”, “Sóng ở đáy sông”, “Bí thư Tỉnh ủy”… đã tạo được sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp người xem, đem lại tác động tích cực về nhận thức cũng như thẩm mỹ cho người xem; thì thời gian gần đây, loạt phim khác như: “Chạm tay vào nỗi nhớ”, “Chỉ có thể là yêu”, “Vừa đi vừa khóc”, “Bánh đúc có xương”, “Trò đời”… lần lượt xuất hiện trong khung giờ vàng với những đề tài khác biệt, phong phú; nội dung cập nhật đời sống, thể hiện khá sinh động, đã phần nào tạo nên những dấu ấn nhất định.

Vậy nhưng, bên cạnh đó, nhiều phim khác đã len được vào khung giờ vàng, mà vẫn yếu kém nhiều mặt: đề tài nguội lạnh, nội dung trùng lắp, diễn đạt chắp vá, ấu trĩ… khiến dư luận phàn nàn, khiến hao kiệt, uổng phí cái quý giá vốn có của giờ vàng.

Mặt khác, từ chỗ sử dụng quảng cáo trong giờ vàng như nguồn thu quan trọng đối với đài truyền hình để có nguồn lực tiếp tục phát triển; không ít đài đã tự vượt qua làn ranh luật lệ cũng như giới định tâm lý thưởng thức của người xem, khi “tranh thủ” chèn quá nhiều đầu mục quảng cáo vào khắp các tiết mục phát sóng; khiến câu chuyện phim bị cắt khúc liên tục, làm lệch ý nghĩa cần truyền đạt, phá hỏng cảm xúc tiếp nhận, chặn đứng dòng chảy hình thành ý thức thẩm mỹ trong tâm cảm người xem. Sự gia tăng tập trung và quá mức cường độ cũng như dung lượng quảng cáo ở khung giờ vàng, trong thực tế, là con dao hai lưỡi, đã trực tiếp phá hủy chất lượng - giá trị tác phẩm bằng bao công sức của tác giả, gắng tạo nên mạch truyền cảm cho tác phẩm.

Việc phát sóng bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” cho thấy thời lượng quảng cáo ở một số tập ngang bằng với thời lượng phim - một hiện tượng vượt ngưỡng đáng chú ý! Đó là chưa kể đến trường hợp những quảng cáo thô thiển, nói lấy được, vừa không chính xác vừa xảo trá vụng về, lại có quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, gây phản cảm cũng được đùa vào giờ vàng. Với tác phẩm truyền hình có giá trị đang được phát sóng, sự cắt ngang vô lối của loại quảng cáo này tạo ra những thiệt hại không thể đong đếm về nhận thức văn hóa cũng như về tâm lý cảm thụ thẩm mỹ.

Gần đây, trên khung giờ vàng của nhiều màn hình lại còn tràn ngập một cách thiếu cân đối các “Chương trình truyền hình thực tế”, hình thành một trào lưu diễn tấu theo mẫu hình hoàn toàn của nước ngoài. Nào là Vietnam’s Got Talent, Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, The Voice, Thử thách cùng bước nhảy, Vietnam’s Next Top Model, Nhân tố bí ẩn… Loạt chương trình này đem lại những trò chơi có hình thức vừa mới lạ vừa xa lạ; chúng có khả năng kết nối đám đông với sự tham gia trực tiếp của đông đảo khán giả vào cuộc chơi, khiến chương trình có sức thu hút lớn. Sôi động, trẻ trung, mạnh mẽ, hào nhoáng; song không mấy đậm đà, có khi thô thiển và luôn có xu hướng gây shock, tạo phản cảm. Đến nỗi, có người nhận xét: “Không có scandal, không phải là truyền hình thực tế!”.

Chính sự lệ thuộc, thiếu chủ động từ khâu hợp đồng mua bản quyền của nước ngoài, đến quá trình dàn dựng, trình diễn, đã dẫn đến hậu quả này. Thực tế đã có nhiều khán giả phản ứng trước những lời lẽ nhận xét thiếu tế nhị, thậm chí thiếu văn hóa - đặc biệt trước đám đông, của một số giám khảo. Điều này có thể là bình thường ở đâu đó, song tuyệt nhiên không phù hợp với phong vị, tập tục Việt Nam. Điều này tưởng chỉ thoáng qua trong cuộc chơi sôi động, song thực ra nó sẽ ngấm sâu vào tiềm thức người chơi cũng như người xem - nhất là người trẻ, một cách tiềm tàng, nguy hại. Chính vì vậy, đấy là chuyện của văn hóa, của đạo đức; chứ không đơn thuần chỉ là chuyện vui chơi.

Để tận dụng giá trị hữu ích của sóng giờ vàng, trước hết, nhà đài cần chấn chỉnh những gì đã trở nên quá đà trong thời gian qua. Cần tiếp tục tuyển chọn những tác phẩm điện ảnh và truyền hình có giá trị nội dung, đạo đức tốt và có giá trị thẩm mỹ cao để sử dụng trong giờ vàng. Như thế sẽ vừa đem lại lợi ích cho người xem, vừa khích lệ phong trào sản xuất phim trong nước. Với các chương trình giải trí nói chung, trong đó có chương trình truyền hình thực tế, cần nghiêm túc rà soát, chỉnh đổi nhằm đưa trí tuệ Việt Nam vào tiết mục, cả ở nội dung lẫn hình thức trò chơi, sao cho phù hợp văn hóa, phong tục Việt (trong đó nên Việt hóa các tựa đề trò chơi còn mang nguyên tên nước ngoài). Quảng cáo là nhu cầu cần thiết của nhà đài, cần được tận dụng; tuy nhiên cần tuân thủ quy chuẩn về liều lượng, đặc biệt cần chọn đúng thời điểm chèn quảng cáo vào phim, sao cho ít ảnh hưởng nhất tới quá trình cảm thụ của người xem.

TRẦN LUÂN KIM

Tin cùng chuyên mục