Tự làm khó mình

Tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện chỉ thị 65/CT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL bức xúc cho rằng, việc vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều và việc xử phạt, xử lý của các cơ quan quản lý, chức năng khá gian nan, vất vả.

Rà soát những nghị định, chỉ thị trong lĩnh vực này mới thấy, nguyên nhân công tác hậu kiểm, xử lý các vụ việc vi phạm chưa mang lại hiệu quả cao là do chính các cơ quan quản lý đang tự làm khó mình bởi những quy định, cơ chế chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Cái khó thứ nhất, hiện nay trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, bên cạnh các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Nhà nước quản lý, còn có một bộ phận khá lớn các công ty TNHH - thương mại - dịch vụ tham gia kinh doanh ngành giải trí, biểu diễn nghệ thuật. Các công ty này hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì thế, khi xảy ra vi phạm trong lĩnh vực này, các cá nhân, đơn vị trực thuộc bộ, sở VH-TT-DL các địa phương dễ bị các cơ quan quản lý “nắm tóc” và xử lý nhanh hơn.

Trong khi đó, ở khu vực doanh nghiệp, do mải chạy theo lợi nhuận, dễ vi phạm nhưng lại khó xử lý. Trường hợp phổ biến nhất là mỗi khi bị phát hiện vi phạm, bị đình chỉ hoạt động, các công ty này nhanh chóng “lột xác”, thay tên đổi họ thành một công ty mới và ngang nhiên hoạt động lại, tiếp tục vi phạm…

Ông Phạm Xuân Phúc còn cho biết, có những trường hợp đoàn thanh tra xuống địa phương để xử lý vi phạm, nhưng đi tìm doanh nghiệp ấy cả ngày không ra. Chưa hết, việc xử lý các vụ việc vi phạm chưa tới nơi tới chốn còn do sự thiếu đồng bộ và không có sự phối hợp của các cơ quan quản lý các địa phương. Các đơn vị xin giấy phép ở địa phương này và vi phạm ở địa phương khác.

Cái khó thứ hai cũng từ chính sách của Nhà nước: Quy định xử phạt không mang tính chế tài, răn đe nên hiệu quả không cao. Theo số liệu của Thanh tra Bộ VH-TT-DL từ tháng 8-2012 đến tháng 4-2013, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang trên địa bàn cả nước là hơn 74,5 triệu đồng (!).

Có thể đơn cử một vài trường hợp ở TPHCM như: Phạt ca sĩ Thu Minh 3,5 triệu đồng, do hành vi “mặc trang phục gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục”; ca sĩ Cao Thái Sơn (phạt 4,5 triệu đồng), do hát nhép; Công ty TNHH SX-TM và Dịch vụ AV (phạt 7,5 triệu đồng) do hành vi “tự tiện thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp phép”; Công ty TNHH Truyền thông Tím (phạt 15 triệu đồng) do hành vi vi phạm “tổ chức biểu diễn chương trình thời trang mà không có giấy phép”; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có hành vi phản cảm trong biểu diễn bị Thanh tra Bộ VH-TT-DL xử phạt hành chính 5 triệu đồng…

Mức xử phạt như vậy chỉ mang tính chất hình thức, nửa vời. Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL đã triển khai cả năm nay nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm, bởi vì với mức phạt hành chính từ 5 - 50 triệu đồng, sau khi bị phạt thì người vi phạm vẫn còn… lãi, tính răn đe không cao.

Cho đến thời điểm này, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đề nghị nâng mức xử phạt tối đa 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm vẫn còn đang chờ… trình Bộ Tư pháp và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, theo dư luận, ngay cả khi dự thảo này được thông qua và có hiệu lực thì e rằng mức xử phạt mới cũng không còn phù hợp sự phát triển của thị trường. 

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục