Tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân!

Khó có thể diễn đạt nỗi đau mất mát đối với một bậc hiền tài, một con người mà công lao, tầm vóc gắn với những bản anh hùng ca, những chiến công giữ nước chói lọi trong lịch sử dân tộc, một tên tuổi gắn liền với đất nước, với thời đại: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp.

Khó có thể diễn đạt nỗi đau mất mát đối với một bậc hiền tài, một con người mà công lao, tầm vóc gắn với những bản anh hùng ca, những chiến công giữ nước chói lọi trong lịch sử dân tộc, một tên tuổi gắn liền với đất nước, với thời đại: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp.

Ông là vị tướng của chiến tranh, của hòa bình, là vị tướng của trận mạc và trong lòng dân. Nơi ông, ta cảm nhận được nhiều điều về lẽ sống, về niềm tin, về một con người có sức cảm hóa, có sức sống kỳ diệu và tiềm ẩn, đã sống qua trăm năm và sẽ sống mãi nơi cõi nhớ một cách vĩnh hằng.

Với độ lùi của thời gian, lịch sử, nhân dân, người đời sẽ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về ông nhưng với tất cả những gì có được, ông xứng đáng là người được tôn kính, vinh danh. Ông đã để lại cho đời nhiều bài học quý giá, không chỉ ở lĩnh vực quân sự mà trên nhiều lĩnh vực, ông thật sự là một con người tài - đức vẹn toàn.

Sinh ra ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho yêu nước, vào Huế học ở trường quốc học, rồi tham gia đấu tranh, biểu tình, để tang cho cụ Phan Chu Trinh và bị bắt. Ông xác định, muốn tiếp tục làm cách mạng thì phải có trình độ học vấn càng cao, phục vụ cách mạng càng có hiệu quả. Sau đó học tú tài, rồi tốt nghiệp cử nhân luật ở Hà Nội, trở thành thầy giáo dạy sử, viết sách, viết báo cổ động cho Mặt trận dân chủ Đông Dương… Ông từ chối học bổng của chính quyền thực dân cho sang Pháp học để về làm việc cho họ mà dấn thân vào phong trào yêu nước. Năm 1940, ông đã cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Bác Hồ, rồi sau đó được giao nhiệm vụ trở về xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Cạn… tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ông là một vị tướng tài, người chỉ huy quân đội từ ngày đầu thành lập, từ 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ trở thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng - trận đánh kinh điển đem lại độc lập cho dân tộc và đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn cõi Đông Dương và thế giới. Vị tướng đã có công xây dựng đội quân cách mạng từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, với những sư đoàn, quân đoàn… hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn làm nên mùa Xuân toàn thắng 1975. Với tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, vị tổng tư lệnh tài giỏi đã có những đóng góp xuất sắc vào chiến công chung của toàn dân tộc đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh, với nhiều đại tướng sừng sỏ.

Ông là một nhà hoạt động chính trị, một con người văn - võ song toàn. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người, không đề cao cá nhân, luôn giữ gìn tổ chức kỷ luật, giao việc gì, cố làm cho tốt việc đó. Mặc dù không trải qua trường lớp, học viện quân sự nào nhưng ông luôn tự học, luôn trân trọng di sản quý báu của dân tộc, của nhân loại và đã trở thành một thiên tài quân sự. Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo cho rằng: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh - ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo, sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, mà hạn chế thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất”.

Ông được tin yêu, ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân, toàn dân và được sự kính trọng của bạn bè quốc tế. Ducan Townson, tác giả cuốn “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở Luân Đôn, coi Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam” đã nhận xét: Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách lớn, một cái tâm trong sáng. Ông luôn có quyết định đúng trong những hoàn cảnh khó khăn, ông là một nhà chỉ huy luôn yêu thương lính, luôn trọng nghĩa, vẹn tình. Một con người ở đỉnh vinh quang mà không nói về công trạng, về mình.

Khi được giao nhiệm vụ phụ trách khoa học kỹ thuật, giáo dục, ông đã có những đóng góp quan trọng, đã lập Viện Hạt nhân Đà Lạt, đã giúp cho hoạt động của Viện toán, Viện cơ học, Viện vật lý… đã miệt mài với những công việc, những đề tài nghiên cứu và có những đóng góp hữu ích, thiết thực. Cho tới những năm tháng cuối đời, ông vẫn luôn quan tâm theo dõi tình hình trong nước và quốc tế, tích cực góp ý cho những vấn đề quan trọng, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới, về chiếc lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng chỉnh đốn Đảng… Ông đã viết hàng trăm tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm về khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Là kiến trúc sư cho những chiến thắng vang dội nhưng ông sống khiêm nhường, giản dị, không có thái độ bề trên, không nói to, nổi nóng… dù trong thâm tâm nhiều lúc cũng không vui. Ông sống một cuộc đời nhân hậu, vị tha và bao dung. Với nước, với dân, ông dành cả cuộc đời và sự nghiệp; với đồng chí, đồng đội cũng như với gia đình, người thân ông luôn hướng tới sự chu đáo, như luôn nhớ tất cả và lo cho tất cả.

Đất nước, thời cuộc, Đảng và Bác đã giao cho ông giữ những trọng trách lớn lao và ông đã đáp lại một cách vuông tròn. Có lần ông đã bộc bạch: Không có chiến tranh chắc tôi vẫn làm nghề giáo. Đấy là một nhà giáo nguyên mẫu, ông không chỉ dạy bằng lý thuyết mà chính bằng cả cuộc đời mình.

10 lời thề vinh dự về lòng trung thành, về mối quan hệ quân - dân từ ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân như vẫn còn đây.

Mệnh lệnh “Đánh chắc thắng chắc” vang lên ở Chiến dịch Điện Biên năm xưa như vẫn còn đây.

Mệnh lệnh “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh như vẫn còn đây.

Một cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng, một con người bình dị, một tượng đài trong lòng dân mãi mãi vẫn còn đây.

Vẫn còn đây, trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè thế giới một võ tướng oai phong, rạng ngời khí phách. Vẫn còn đây, một nhân tướng mà nhân cách và tâm hồn luôn tỏa sáng một lòng yêu nước, thương dân, luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ công vi thượng”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”…

Với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, xin được kính tiễn vị đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp!

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục