Xâm hại di tích - Chưa có điểm dừng!

Gần đây, dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng đã báo động về nạn xâm hại di tích đến mức xót lòng, nhức nhối. Trong đó việc lấn chiếm khuôn viên di tích làm nơi buôn bán, ăn ở; phá dỡ xây mới di tích vô tội vạ; hoặc lạm dụng danh nghĩa tu bổ di tích lịch sử văn hóa (LSVH) để trục lợi riêng… diễn ra nhan nhản!

Trên cả nước hiện có khoảng 5.300 di tích cấp tỉnh, hơn 3.000 di tích cấp quốc gia và 5 danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo ghi nhận thì tình trạng lấn chiếm di tích diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Riêng tại TPHCM, số lượng di tích bị lấn chiếm khoảng 1/3, nặng nề nhất là di tích LSVH cấp quốc gia Phụng Sơn Tự (Chùa Gò) ở quận 11. Tình trạng “tân trang” di tích, lấy cắp cổ vật trong di tích, làm mới di tích sai quy trình, quy định của pháp luật… vẫn chưa có điểm dừng!

Trong bối cảnh đó, một số cơ quan  quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa dường như mắc bệnh quan liêu, buông lỏng, thiếu xông xáo kiểm tra ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời các vi phạm.

Nhiều di tích bị xâm hại nghiêm trọng từ lâu, nhưng chỉ đến khi báo chí hoặc người dân tố cáo cơ quan chức năng mới có động thái rà soát, tìm hiểu, nghiên cứu rồi chầm chậm vào cuộc! Những năm gần đây, mượn danh nghĩa “trùng tu di tích”, nhiều nơi đã phá bỏ di tích cũ và xây lại thành hình hài mới một cách không thương tiếc vết tích cha ông, hồn cốt dân tộc và dấu ấn thời gian. Những di tích quốc gia vô giá sẽ trở nên vô hồn qua cách đối xử này. Điều 4, điểm 13 Luật Di sản Văn hóa quy định: “Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng đó”. Như vậy, việc tu bổ, phục hồi di tích không cho phép đập bỏ để xây mới tùy tiện mà phải trên cơ sở các cứ liệu khoa học, không được làm biến dạng di tích.

Vừa qua, đoàn giám sát của UB VH-GD-TN-TN và NĐ của Quốc hội đi kiểm tra, giám sát việc xâm hại di tích quốc gia chùa Trăm Gian đã khẳng định có 3 hạng mục gồm Nhà tổ, gác khánh và thềm đá bị phá đi xây mới khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Khi vụ này còn chưa hết nóng thì ở Hưng Yên cũng phát hiện Đền Mẫu, một di tích cấp quốc gia quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, cũng bị tự ý cho xây mới. Rồi đến di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Gần đây lại có một kiểu xâm hại di tích đáng trách khác: Hệ thống tường bao xung quanh dãy “Chuồng cọp” trong cụm Di tích Nhà tù Côn Đảo là hạng mục nằm trong nhóm phải bảo vệ nghiêm ngặt, vậy mà vẫn xuất hiện chi chít các vết vẽ, viết, chữ ký… bằng than, mực, sơn, phấn và thậm chí cả vết khắc bằng vật nhọn với mức độ dày đặc. Những kẻ vô ý thức đã làm biến dạng di tích một cách lạ lùng, hết sức phản cảm, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan ở di tích…

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” mới phát sóng trên truyền hình, một vị lãnh đạo khi được hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng xâm hại di tích tràn lan như lâu nay, ông đã trả lời đại ý là cần phát động, động viên nhân dân địa phương nơi có di tích khi phát hiện vi phạm báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý; còn những quy định có liên quan ở cấp vĩ mô thì đã trình lên Chính phủ… Như vậy chứng tỏ ngành chức năng lúng túng, chưa có biện pháp hữu hiệu nên mới ỷ lại vào người dân và cấp trên! Đây phải chăng là kiểu đùn đẩy trách nhiệm xuống dưới và lên trên? Điều đó cho thấy vì sao di tích ngày càng bị xâm hại nhiều hơn.

Trước những diễn biến phức tạp đó, các cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng vào cuộc chặn đứng đà xâm hại di tích, đánh giá thực trạng và có giải pháp khắc phục, phát huy hiệu quả giá trị di tích trong việc giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho nhân dân, phục vụ du lịch…

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục