Đàm phán trong căng thẳng

Cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ngày 30-3 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO vẫn rất căng thẳng. Hội đồng Nga - NATO là diễn đàn quy tụ các đại sứ NATO và nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, được xem như là một cách để ngăn chặn căng thẳng leo thang thông qua đối thoại. Cuộc họp diễn ra vài tuần sau cuộc điện đàm đầu tiên trong hai năm qua giữa Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov và Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, tướng Petr Pavel. Tại cuộc họp này, NATO sẽ phải giải thích các cuộc triển khai quân và khí tài ở Đông Âu.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ . Ảnh: TTXVN

Hôm 28-3, với 97 phiếu thuận, 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyết định mở rộng NATO với việc kết nạp thêm Montenegro trở thành nước thành viên thứ 29. Sputnik dẫn lời nhà nghiên cứu Ivan Eland, Trung tâm Hòa bình và tự do thuộc Viện độc lập tại Mỹ, cảnh báo Mỹ và NATO đã có những sai lầm khi kết nạp Montenegro vào NATO, động thái này làm gia tăng nguy cơ chiến tranh ở Đông Nam châu Âu. Montenegro có lẽ sẽ nhận được lợi ích trước mắt từ hỗ trợ của NATO, nhưng mỗi thành viên khác của NATO sẽ phải gia tăng kinh phí đóng góp. Ông Eland cho rằng, NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông vốn là nguyên nhân chính của căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Nga và sẽ tiếp tục làm làm tồi tệ hơn mối quan hệ này. Trợ lý Giáo sư lịch sử Robert Waters Đại học Ohio Northern, Mỹ nói với Sputnik rằng, sự nhiệt thành của Thượng viện Mỹ đưa Montenegro vào NATO là một triệu chứng thù địch với Nga phổ biến trong cơ quan lập pháp này.

Trong khi đó, căng thẳng đã leo thang trên biển Đen khi Nga tuyên bố các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ nơi đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Nga. “Tàu phòng thủ tên lửa ở biển Đen và Baltic đặt ra một mối đe dọa ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga, vì không rõ chúng chở loại tên lửa nào và để làm gì”, Trung tướng Nga Viktor Poznikhir cho biết khi nói về các vấn đề phòng thủ tên lửa tại hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva và cho rằng, khả năng của việc sử dụng các bệ phóng tên lửa hải quân chứa tên lửa hành trình Tomahawk là một sự vi phạm thô bạo hiệp ước INF giữa Nga và Mỹ năm 1987. Nga đã đưa ra hơn 11 yêu cầu giải thích với Mỹ về vi phạm này nhưng chưa có câu trả lời.

Cũng trong lúc này, nhiều quốc gia Đông Âu đang tham gia các cuộc tập trận cùng Mỹ ở biển Đen với sự có mặt tàu đổ bộ của Mỹ, USS Carter Hall. Trong một diễn tập vào ngày 20-3, Mỹ và đồng minh sử dụng tên lửa đất đối không Stinger. Mỹ và các đồng minh đông Âu lo ngại về cuộc chiến tương tự xảy ra ở Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào Nga.

Trong khi quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung và với NATO nói riêng vẫn đang căng thẳng thì Nga tiếp tục có các bước đi cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng như tăng cường vai trò của Nga ở Trung Đông với việc tổ chức các cuộc hòa đàm về Syria. Nga còn đang lên kế hoạch tăng cường hợp tác với Liên đoàn các nước Arab để bảo đảm giải quyết nhanh chóng các cuộc khủng hoảng khu vực bằng con đường chính trị - ngoại giao. Theo các nhà phân tích, sau sự kiện Crimea, Tổng thống Vladimir Putin không những đang đưa Nga thoát khỏi các biện pháp cấm vận của phương Tây mà còn tăng cao vai trò của Nga ở Trung Đông. Điều đó có thể cho phép Nga tiếp tục cứng rắn với NATO.

HUY QUỐC

Tin cùng chuyên mục