Đàm phán Brexit - Cả Anh lẫn EU đều gặp khó

Trước thông tin Thủ tướng Anh Theresa May vào tuần tới sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, trong vòng 48 giờ từ khi Thủ tướng Anh kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, EU sẽ trình bản dự thảo đường hướng chung cho các cuộc đàm phán.

Đùa với lửa

Hiện tại, dự luật về Brexit do Chính phủ Anh đề xuất vẫn đang chờ Quốc hội thông qua. Dự luật này cho phép Thủ tướng kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình đàm phán với EU về việc Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu.

Thượng viện Anh đã yêu cầu bổ sung vào dự luật quyền phủ quyết của các nghị sĩ đối với kết quả đàm phán của Thủ tướng May với EU, cũng như điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi của các công dân EU tại Anh sau Brexit. Do những yêu cầu trên của Thượng viện, dự luật Brexit sẽ được trình lại tại Hạ viện vào ngày 13-3 tới. Hạ viện sẽ ra quyết định cuối cùng có chỉnh sửa bổ sung hay giữ nguyên nội dung dự luật Brexit do chính phủ đệ trình.

Sau khi dự luật Brexit được thông qua thì Thủ tướng May mới có thể kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, gửi thư thông báo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu để chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán Anh - EU dự kiến kéo dài 2 năm.

Một bộ phận cử tri Anh vẫn muốn ở lại EU

Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Anh cho biết, nhiều khả năng Thủ tướng May sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon vào tuần tới. Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Anh có thể sẽ kích hoạt điều khoản này vào ngày 14-3, nếu dự luật Brexit được Quốc hội Anh thông qua vào đêm 13-3.

Financial Times bình luận: London đang “đùa với lửa” trong vấn đề Brexit, nếu họ chấp nhận phương án rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Nước Anh chưa hội đủ sức mạnh cần thiết để tiến hành các cuộc đàm phán với EU về Brexit. Cử tri Anh luôn mong muốn bà May có thể đạt được một thỏa thuận nào đó tốt đẹp và thuận lợi cho đất nước, bởi phương án “Brexit cứng” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, đầu tư cũng như mối quan hệ giữa Anh với châu Âu lục địa. Tiến trình Brexit càng kéo dài thì càng nảy sinh nhiều thách thức và kết quả càng xa vời.

Theo ý kiến của các nhà quan sát, nếu không đạt được thỏa thuận với EU, Anh nên tăng cường mở cửa nền kinh tế và giảm thuế, tương tự trường hợp Hồng Công, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng.

EU chưa sẵn sàng

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, dù EU đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các bước tiến hành đàm phán với Anh nhưng sẽ “rất khó khăn trong mọi vấn đề, đặc biệt trên khía cạnh tài chính liên quan đến việc Anh rời EU”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên EU hôm 10-3 (không có sự tham dự của đại diện Anh), để bàn về tương lai châu Âu sau khi Anh rời EU. Các nhà lãnh đạo EU thảo luận rất nhiều về một châu Âu “đa tốc độ”, một số nước hy vọng về những thay đổi hệ thống có thể nới lỏng những quan hệ nội EU, tăng cường vai trò của các nước trong cộng đồng. Một số quốc gia khác, ngược lại, hy vọng tìm kiếm một tầm vóc mới sâu sắc hơn về mức độ hòa nhập, ngay cả khi điều này có thể chưa được áp dụng cho một vài quốc gia thành viên.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, châu Âu nhiều tốc độ chỉ có lợi với các nước lớn, gây thiệt thòi cho một số nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary, theo đó, những nước này quan ngại nếu họ không tham gia vào các quan hệ “hợp tác tăng cường” sẽ bị gạt ra rìa trong quá trình ra quyết định của khối và có nguy cơ trở thành “quốc gia hạng 2” trong EU.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục