Sức ép từ dòng người di cư bất hợp pháp

Theo Sputnik, thống kê mới nhất từ Cơ quan kiểm soát biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) cho thấy, khu vực này đang tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ dòng người di cư bất hợp pháp với số lượng 382.000 người trong năm 2016.
Sức ép từ dòng người di cư bất hợp pháp

Theo Sputnik, thống kê mới nhất từ Cơ quan kiểm soát biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) cho thấy, khu vực này đang tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ dòng người di cư bất hợp pháp với số lượng 382.000 người trong năm 2016.

Năm chết chóc

Frontex cho biết, số người di cư đã giảm so với năm 2015 (1,83 triệu người) nhưng vẫn tăng cao hơn so với thời điểm năm 2010-2014 (283.000 người). Trong số những người di cư bất hợp pháp đến châu Âu năm 2016 có đến 170.000 người ở châu Phi tìm cách vượt biên giới bằng đường biển ở khu vực Địa Trung Hải. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2009 đến năm 2013, chỉ 40.000 người.

Hy Lạp và Italia vẫn là hai điểm nóng tiếp nhận người di cư vượt biển. Dù dòng người nhập cư vào châu Âu có xu hướng giảm, song số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải năm 2016 đã tăng gần 25% so với năm ngoái, lên mức kỷ lục 5.000 người. Những thảm kịch xảy ra trên hành trình vượt biển đã làm năm 2016 trở thành “năm chết chóc” nhất trên biển Địa Trung Hải đối với người di cư và tị nạn.

Tàu cứu nạn chở người nhập cư bất hợp pháp cập cảng Malaga, Tây Ban Nha

Dù lượng người nhập cư trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2016 đã giảm, nhưng cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện những xu hướng đáng lo ngại, đó là nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng làn sóng người di cư mới từ Libya. Hiện các nước Trung - Đông Âu đang tìm hướng thay thế thỏa thuận với Ankara thông qua quản lý tuyến đường Tây Balkan. Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng 16 nước Trung và Đông Nam Âu đã nhất trí soạn thảo kế hoạch B nhằm bảo vệ các đường biên giới, trong trường hợp thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ. Thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hồi tháng 3-2016, nhưng gần đây Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác, trong bối cảnh quan hệ giữa 2 bên xấu đi đáng kể.

Hết kiên nhẫn

Lượng người di cư bất hợp pháp đổ về châu Âu đã trở thành bài toán nan giải cho các nhà cầm quyền, nhất là trong bối cảnh sắp tới sẽ có hàng loạt các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra tại Đức, Hà Lan, Pháp.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã tỏ ra hết kiên nhẫn với dòng người nhập cư ồ ạt đổ về nước này kể từ năm 2015. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Tunisia Youssef Saheh ở thủ đô Berlin vào ngày 14-2, bà Merkel tuyên bố muốn đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Đây được xem là một vấn đề rất nhạy cảm không chỉ tại Đức mà cả những nước liên quan kể từ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào một khu chợ Giáng Sinh ở trung tâm thủ đô Berlin hồi cuối năm 2016, thủ phạm được xác định là một người nhập cư Tunisia.

Trước đó, theo tờ World Tribune, Thủ tướng Merkel đã đồng ý với gói giải pháp nhằm tăng tốc độ trục xuất 450.000 người di cư không được chấp thuận tị nạn tại Đức. Kế hoạch này bao gồm chương trình trả khoảng 95,7 triệu USD tiền mặt cho những người di cư tự nguyện rời đi. Giới phân tích xem đây là kế hoạch của bà Merkel nhằm vớt vát sự ủng hộ trước thềm nỗ lực tái tranh cử của bà vào tháng 9 năm nay.

Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham House của Anh vừa qua đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 10 nước Anh, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức và Áo với câu hỏi “Có nên cấm người nhập cư từ các nước Hồi giáo? Chiếm phần lớn với tỷ lệ 54,6% người được hỏi đã trả lời “đồng ý”, 20,1% không đồng ý. Lý giải cho tỷ lệ trên, giới chuyên gia cho rằng, người châu Âu đã có thái độ không thân thiện với những người nhập cư gốc Hồi giáo sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Đức, Pháp trong năm vừa qua.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục