Cơn bão lửa

Sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải từ chức vì bị cáo buộc có liên hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ bàn về việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Nga ngay khi ông chưa nhậm chức, nội các chưa hoàn tất của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được yên.

Sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải từ chức vì bị cáo buộc có liên hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ bàn về việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Nga ngay khi ông chưa nhậm chức, nội các chưa hoàn tất của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được yên.

Thư ký báo chí Sean Spicer cho rằng, việc ông Flynn từ chức vì báo cáo thông tin sai lệch cho Phó Tổng thống Mike Pence và những người khác chứ không phải là bản chất của mối quan hệ giữa ông Flynn với người Nga. Theo báo chí Mỹ, trong quá khứ ông Trump cũng đã nhiều lần đánh giá cao nhà lãnh đạo Nga Putin hơn cả Tổng thống George W.Bush và Tổng thống Barack Obama.

Tờ Financial Times số ra ngày 15-2 có bài viết: “Nhà Trắng đang phải đối mặt với một cơn bão lửa” liên quan đến mối quan hệ giữa ông Trump và các trợ lý của ông với Nga. Mối quan hệ này cũng đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện điều tra riêng. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tất nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội tố ông Trump về mối quan hệ giữa các nhân vật trong Nhà Trắng với Nga như họ đã từng làm trong chiến dịch tranh cử. Đảng Dân chủ từng chỉ trích Nga tấn công mạng của đảng này và can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ giúp ông Trump giành chiến thắng. Cả Nga và ông Trump đã bác bỏ cáo buộc này. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố, không ai trong chiến dịch tranh cử của ông có liên lạc với người Nga.

Giờ đây, đảng Dân chủ đặt vấn đề vì sao Tổng thống Donald Trump đã biết trước vụ việc của ông Flynn từ lâu nhưng phớt lờ mà không cách chức ông này. Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. Một số thành viên đảng Dân chủ kêu gọi bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt theo dõi cuộc điều tra. Mark Warner, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, thuộc Ủy ban tình báo Thượng viện cho rằng vụ việc của ông Flynn đáng lo ngại và công chúng cần biết liệu có ai yêu cầu ông Flynn tiếp xúc với Nga hay không.

Ngay cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng hoài nghi về quan hệ giữa các nhân vật trong Nhà Trắng với Nga. Theo Washington Post, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ  Mitch McConnell cho rằng, “rất có thể” sự việc của ông Flynn là một phần của chiến dịch “can thiệp rộng lớn hơn của Nga” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông John McCain, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona cho rằng, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về sự “rối loạn chức năng của bộ máy an ninh quốc gia hiện nay”.

Theo ông Roy Blunt, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc ủy ban tình báo Thượng viện, các nhà điều tra nên theo đuổi tới cùng vụ việc cho đến khi sáng tỏ mọi vấn đề. Tờ New York Times dẫn lời tướng Tony Thomas, người đứng đầu Bộ Tư lệnh đặc trách Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, nói rằng Chính phủ Mỹ đang trong “tình trạng hỗn loạn không thể tin được”.  Tờ báo này còn dẫn lời một số quan chức Mỹ về hưu lẫn đương nhiệm cho rằng, các trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã có nhiều cuộc điện đàm với các quan chức an ninh cấp cao của Nga trong vòng 1 năm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo Washington Post, sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia Michael T. Flynn đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với chính quyền non trẻ của ông Trump, đẩy Nhà Trắng vào thế phòng thủ và mối quan hệ giữa ông Trump các nghị sĩ Cộng hòa ngày càng căng thẳng.

HUY QUỐC

Tin cùng chuyên mục