Đường hòa giải còn nhiều chông gai

Bộ Quốc phòng Thái Lan ngày 14-2 cho biết, quân đội nước này bắt đầu thảo luận về hòa giải quốc gia với các chính trị gia và dự kiến sẽ soạn một thỏa thuận hòa giải. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit thông báo sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn, trong đó các sĩ quan quân đội sẽ thảo luận với 10 đại diện của mỗi đảng chính trị vào các ngày trong tuần và kéo dài trong vòng 3 tháng.
Đường hòa giải còn nhiều chông gai

>> Thái Lan thảo luận về hòa giải quốc gia vào ngày 14-2

Bộ Quốc phòng Thái Lan ngày 14-2 cho biết, quân đội nước này bắt đầu thảo luận về hòa giải quốc gia với các chính trị gia và dự kiến sẽ soạn một thỏa thuận hòa giải. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit thông báo sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn, trong đó các sĩ quan quân đội sẽ thảo luận với 10 đại diện của mỗi đảng chính trị vào các ngày trong tuần và kéo dài trong vòng 3 tháng.

Binh sỹ Thái Lan đi tuần tại Đài kỷ niệm Chiến thắng ở Bangkok ngày 8-6-2016.

Bí thư Thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Chaicharn Changmongkol sẽ đứng đầu một ủy ban tập hợp các ý kiến trao đổi và sau đó sẽ soạn ra một bản dự thảo thỏa thuận hòa giải. Dự thảo thỏa thuận hòa giải sẽ được quân đội công bố lấy ý kiến công chúng tại các địa phương trên cả nước.

Trước đó, theo một cuộc thăm dò dư luận tại Thái Lan, có hơn 70% những người được hỏi nói rằng, chính quyền quân sự hiện tại và các lực lượng chính trị cần phải đạt được sự hòa giải trước khi có thể tiến hành tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại hòa giải này cũng vấp phải trở ngại khi thủ lĩnh của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (FPDRC) ​- tiền thân là lực lượng áo vàng - ông Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng, lực lượng này sẽ không ký vào thỏa thuận hòa giải do chính quyền quân sự đề xuất. Theo ông Suthep, đề xuất của chính phủ không thể thực hiện được và không dẫn tới sự hòa giải thực sự. Ông nói rằng để có được hòa giải, trước hết phải đoàn kết đất nước, tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Ông cũng khẳng định phe này sẽ phản đối bất kỳ đề xuất ân xá nào đối với những người phạm tội phỉ báng Hoàng gia và phạm các tội như tham nhũng hay có các hành vi xấu xa khác. Trong khi đó, ông Nattawut Saikua, một thủ lĩnh của Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD) - phe áo đỏ - cũng bày tỏ sự nghi ngại về tính khả thi của các đề xuất hòa giải mà chính quyền quân sự đưa ra. Phát biểu với các phóng viên, ông Nattawut nói rằng chưa từng có quốc gia nào thành công trong việc hòa giải khi một bên trong cuộc xung đột và đang nắm giữ quyền lực lại thành lập một ủy ban để thúc đẩy việc này. Ông cho rằng, một ủy ban kiểu như vậy do chính phủ đương quyền lập nên cũng có thể bị xem là một bên trong cuộc xung đột.

Để hóa giải một phần các nghi ngại và tiến tới thỏa hiệp cuối cùng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan - người được Thủ tướng Prayut Chan-ocha chỉ định làm điều phối tiến trình hòa giải quốc gia, cho rằng: “Cần tạo ra một thỏa thuận chung đáp ứng nhu cầu của các bên và được các bên chấp nhận để tất cả có thể chung sống hòa bình, nhưng các bên không cần ký vào thỏa thuận hòa giải này vì tự thân văn kiện này đã chứng tỏ sự đồng thuận của các chính đảng và toàn thể người dân Thái Lan”.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục