Tiết kiệm thực phẩm

Đầu tháng 2 tới, luật về chống lãng phí thực phẩm của Pháp mang tên Garot sẽ có hiệu lực. Đây được coi là luật đầu tiên của châu Âu trong lĩnh vực này. Tiếp theo Pháp, Italia và Romania cũng sẽ ra một luật tương tự trong năm nay. Việc các quốc gia thành viên châu Âu phải đưa ra luật trên cho thấy lãng phí thực phẩm thực sự là vấn đề nhức nhối ở lục địa già.
Tiết kiệm thực phẩm

Đầu tháng 2 tới, luật về chống lãng phí thực phẩm của Pháp mang tên Garot sẽ có hiệu lực. Đây được coi là luật đầu tiên của châu Âu trong lĩnh vực này. Tiếp theo Pháp, Italia và Romania cũng sẽ ra một luật tương tự trong năm nay. Việc các quốc gia thành viên châu Âu phải đưa ra luật trên cho thấy lãng phí thực phẩm thực sự là vấn đề nhức nhối ở lục địa già.

Theo một điều tra mới đây của dự án về ngăn chặn lãng phí thực phẩm có tên Fusions, nếu như ở Pháp, lãng phí thực phẩm hàng năm là trên 10 triệu tấn, thì trên toàn châu Âu, con số này ước tính là 88 triệu tấn, tương đương với 20% thực phẩm được sản xuất tại châu lục. Trị giá thực phẩm lãng phí tương đương khoảng 143 tỷ EUR. Tiếc và xót xa vô cùng khi biết rằng bớt được khoản lãng phí này đủ nuôi những người đang thiếu đói!

Và để hạn chế nạn lãng phí thực phẩm, giúp người thu nhập thấp có được thực phẩm mà không phải trả nhiều tiền, trong thời gian gần đây, một loạt ứng dụng tin học đã được phát triển trên thế giới và cụ thể là tại Pháp. Nhiều doanh nhân trẻ tại Pháp đã thực sự dấn thân trong lĩnh vực này. Trang mạng Smartlink.fr giới thiệu một loạt các ứng dụng như: Zero-Gachis, Checkfood, Optimiam, What the Food, Gaspifinder, Frigo Magic hay Mummyz. Một ứng dụng khá nổi tiếng là Optimiam, được sử dụng trên hai hệ điều hành Android và iOS, cho phép những người bán hàng tại Paris thông báo với khách hàng về các sản phẩm sắp sửa đến hạn vứt bỏ, và đề nghị bán lại với giá thấp. Ứng dụng kết nối với hơn 330 cửa hàng, được khoảng 80.000 người sử dụng.

Trong suốt 3 tuần trước dịp Noel vừa qua, những người dùng Optimiam có thể đặt hàng các bữa ăn chống lãng phí, với giá một bữa là 3 EUR. Suất ăn sẽ được đưa đến tận nơi trong phạm vi quận 11 ở Paris. Đối tượng ưu tiên là những người cao tuổi, cô đơn, sống trong hoàn cảnh bấp bênh. Ngoài ra, còn có một hoạt động rất ý nghĩa khác cũng xuất hiện khá nhiều ở châu Âu và Pháp đó là sử dụng các thực phẩm còn tốt nhưng bị vứt vào thùng để nấu các bữa ăn phục vụ người nghèo, vô gia cư…

Món ăn của nhà hàng Mai Ly chỉ được chế biến sau khi khách đã đặt món

Trong lúc cả châu Âu chống lãng phí, cộng đồng người Việt tại Pháp cũng cho thấy rõ ý thức của mình trong vấn đề này. Chị Tuyết, chủ nhà hàng Mai Ly ở Ille-sur-Têt, miền Nam nước Pháp cho hay bản thân cách nấu nướng của người Việt mình đã rất tiết kiệm rồi. Ở bên này, nhiều gia đình người Việt vẫn giữ thói quen đi chợ hàng ngày, mua thực phẩm về để chế biến ăn trong ngày. “Ăn đến đâu, mua và chế biến đến đấy sẽ không bao giờ lãng phí thực phẩm”, chị Tuyết nói. Bà chủ người Việt cũng giữ thói quen này tại nhà hàng của mình: khi khách đặt món, chị mới chế biến chứ không sơ chế trước như các nhà hàng của Pháp. Vì tự chế biến, nên chị Tuyết cũng có thể định sẵn khẩu phần của khách như với món nào có thịt, chị Tuyết ước chừng khoảng 200g/người là đủ.

Cái nết cần cù, chịu khó của người Việt cũng góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm thực phẩm. Nhà nào có vườn, thậm chí chỉ có một khoảng không gian nhỏ thôi trên mái nhà, hoặc ban công cũng sẽ tận dụng để trồng rau. Những thứ bỏ đi khi chế biến thức ăn như vỏ của củ, quả, gốc rau…  cũng được tận dụng để ủ làm phân xanh bón cho rau. Nhiều nhà còn nuôi gà vừa có thịt để ăn vừa để chúng ăn hết thức ăn thừa. “Chịu khó một chút thì có tiền dư ra dùng cho các việc khác. Tiết kiệm trước tiên là tốt cho mình và gia đình mình thì tại sao lại không tiết kiệm”, chị Tuyết thổ lộ.


NGỌC PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục