Những quả bom hẹn giờ khó gỡ

Hoảng loạn và lo sợ đang bao trùm châu Âu khi chỉ trong 24 giờ đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công tại Pháp, Đức, Thụy Điển. Lục địa già dường như đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những đối tượng ít ai ngờ tới.

Hoảng loạn và lo sợ đang bao trùm châu Âu khi chỉ trong 24 giờ đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công tại Pháp, Đức, Thụy Điển. Lục địa già dường như đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những đối tượng ít ai ngờ tới.

Thực tế, châu Âu đã không còn được coi là mảnh đất bình yên sau loạt vụ khủng bố tại Pháp, mà đỉnh điểm là vụ tấn công đẫm máu vào “kinh đô ánh sáng” Paris tháng 11-2015 hay loạt vụ đánh bom liều chết tại các địa điểm đông người ở “trái tim” châu Âu, thủ đô Brussells của Bỉ hồi tháng 3 vừa qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về an ninh. Tuy nhiên, loạt vụ việc mới xảy ra ở Pháp và Đức lại làm dấy lên mối lo ngại về những hình thức tấn công kiểu mới khó đối phó và khó ngăn chặn hơn. Vụ khủng bố ở Pháp và 4 vụ tấn công ở Đức vừa qua rõ ràng là rất đa dạng, không giống nhau về phương thức hành động, từ tay lái xe tải hạng nặng điên cuồng lao vào dòng người đi bộ cán chết hàng chục người trong giây lát, đến hành động xả súng bắn vào bất cứ ai xuất hiện, hoặc đánh bom, dùng rìu chém hành khách trên tàu hay giết người bằng dao...

Điểm đáng lưu ý là thủ phạm các vụ tấn công đều là người gốc nhập cư hoặc đang xin tị nạn. Điều này cho thấy quá trình hòa nhập và ổn định cuộc sống của cộng đồng người nhập cư vào xã hội phương Tây không hề đơn giản. Thất nghiệp, nghèo đói, ít có cơ hội tiếp cận những điều kiện giáo dục chất lượng cùng với sự kỳ thị của người bản xứ là một trong những nguyên nhân khiến những thanh niên gốc nhập cư dễ trở nên chán nản, mặc cảm, bế tắc. Trong một loạt vụ tấn công, thủ phạm đều được xác định là có vấn đề về tâm lý, từng phải điều trị tâm thần.

Thêm vào đó, những lo ngại về an ninh đang khiến cộng đồng người Hồi giáo và nhập cư bị xa lánh, điều đó khiến những thanh niên trẻ trở nên cực đoan hơn, dễ dàng bị tiêm nhiễm những tư tưởng hận thù và bạo lực, dễ có những hành động quá khích. Ngay tại Đức, riêng trong 3 tháng đầu năm 2016 đã ghi nhận 69.000 vụ phạm tội do người nhập cư gây ra, 35% người thất nghiệp tại Đức có nguồn gốc nhập cư đã đủ nói lên thực tế này. Khi những mâu thuẫn giữa người dân bản xứ và người nhập cư không thể xoa dịu, tâm lý bài ngoại và kỳ thị người Hồi giáo ở châu Âu gia tăng, đó là lúc các tổ chức khủng bố như IS dễ dàng lôi kéo những đối tượng bất mãn hay có tư tưởng cực đoan vào hàng ngũ của chúng. Điều tra cho thấy thủ phạm vụ khủng bố ở Pháp hay xả súng ở Đức đã bị tiêm nhiễm tư tưởng hận thù trong một thời gian rất ngắn.

Rõ ràng, các vụ tấn công ở châu Âu không chỉ tới từ bên ngoài mà còn được tích tụ từ những “quả bom hẹn giờ” của tình trạng bất ổn và mâu thuẫn âm ỉ ngay trong chính xã hội của họ. Khi các nước EU vẫn chia rẽ vì đang tranh cãi về vấn đề nhập cư, chia sẻ các thông tin chống khủng bố thì sẽ phải rất lâu mới có thể tháo gỡ các quả bom nổ chậm này.


VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục