Phi lý chuyện Trung Quốc tự xưng là nạn nhân

Ngày 11-7, Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu phi lý nhằm bác bỏ tính hợp pháp của vụ kiện biển Đông trước thời điểm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết  (dự kiến ngày 12-7).
Phi lý chuyện Trung Quốc tự xưng là nạn nhân

Ngày 11-7, Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu phi lý nhằm bác bỏ tính hợp pháp của vụ kiện biển Đông trước thời điểm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết  (dự kiến ngày 12-7).

Lý lẽ ngang ngược

Bài viết đăng trên trang nhất thuộc mục bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 11-7 đã buộc tội Washington lợi dụng vụ kiện biển Đông của Philippines để ngăn cản đà trỗi dậy của Bắc Kinh nhằm bảo toàn thế bá chủ trong khu vực. Bài báo cáo buộc có một số cá nhân hy vọng bôi nhọ Trung Quốc bằng cách làm đảo lộn mọi việc và xới tung rắc rối, biến những nạn nhân thực sự thành những kẻ tội đồ. Trên tờ China Daily số ra cùng ngày cũng có bài viết cho rằng, do phiên tòa không hợp pháp nên mọi phán quyết của tòa không ảnh hưởng đến Bắc Kinh. Đây là những luận điệu mới nhất nằm trong hoạt động tuyên truyền nhằm xuyên tạc phiên tòa PCA và bác bỏ vụ kiện của Philippines trước khi có phán quyết chính thức.

Không chỉ sử dụng truyền thông, Trung Quốc còn gấp rút  đưa ngọn hải đăng thứ 5 đang xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đi vào hoạt động.  Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết, ngọn hải đăng thứ 5 đã hoàn thiện các phần chính. Trước đó, 4 ngọn hải đăng của Trung Quốc đã hoàn thiện và đi vào vận hành trên đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi lấp trên đá Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tất cả 5 ngọn hải đăng này đều có chiều cao từ 50-55m, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và đèn có thể chiếu xa 22 hải lý; được trang bị hệ thống nhận diện tự động và các trạm radar cao tần.

Hải quân Hàn Quốc phối hợp với Bộ Chỉ huy Liên hiệp quốc tuần tra chặn tàu cá Trung Quốc

Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho rằng vấn đề biển Đông sẽ không nằm trong nghị trình và không nên được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) ở Mông Cổ vào ngày 15 và 16-7. Dự kiến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham gia hội nghị. ASEM sẽ là hội nghị ngoại giao quan trọng đầu tiên sau khi PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Nhận định về phán quyết sắp tới của PCA, ông Ashley Townshend, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney cho rằng, Bắc Kinh sẽ phản ứng với những lời lẽ chua cay nhất với bất cứ phán quyết chỉ trích nào của tòa và có thể sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo.

Ngăn chặn ngư dân Trung Quốc

Theo Wall Street Journal, trước khi có phán quyết của PCA, Indonesia đã có những hành động nhằm tăng cường việc củng cố chủ quyền ở quần đảo Natuna. Để bảo vệ nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và vựa cá dồi dào quanh quần đảo này, Indonesia đã đưa nhiều ngư dân ra quần đảo, kết hợp xây thêm cảng và đường băng tại đây. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng tăng cường các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt. Indonesia gần đây cũng có nhiều động thái tăng cường khả năng phòng thủ ở vùng biển Natuna. Jakarta hiện duy trì khoảng 800 quân nhân tại vùng biển Natuna. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên 2.000 người. Phía Hải quân Indonesia cho biết, kể từ tháng 3 năm nay, số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động xung quanh quần đảo Natuna ngày càng tăng và đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của nước này.

Cũng liên quan đến việc ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tăng cường biện pháp ngăn ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép. Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm ngay trong lực lượng bảo vệ bờ biển để phụ trách các nỗ lực trấn áp này trong khu vực gần đường giới hạn phía Bắc - giới tuyến trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Lực lượng đặc nhiệm này sẽ tịch thu và phá hủy những tàu thuyền đánh cá trái phép và bắt giữ thuyền trưởng của các phương tiện trên.  Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 9 tới, Hàn Quốc sẽ nâng số tiền chuộc các tàu thuyền bị bắt từ mức hiện nay là 200 triệu won lên mức 300 triệu won (260.000 USD).

Cư dân mạng truyền thông xã hội và các nhà hoạt động ở Philippines tuyên bố đến lúc Bắc Kinh thực hiện một cuộc CHexit - tức Trung Quốc rời khỏi biển Đông. CHexit, được lấy cảm hứng từ thuật ngữ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), đã nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter (của Philippines) đi kèm với đó là những hình ảnh phản đối việc Trung Quốc ức hiếp các quốc gia láng giềng.


THANH HẰNG
(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục