Nước Anh chia rẽ sau Brexit

>>
Nước Anh chia rẽ sau Brexit

>> Ủy viên EU của Anh từ chức

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh dẫn đến việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, vẫn đang gây nhiều cảm giác trái ngược. Tuy nhiên, có thể thấy cảm giác lo lắng và tiếc nuối có lẽ lớn hơn cảm giác mừng rỡ khi tác động của Brexit bắt đầu lan tỏa.

Tiếc nuối

Tạp chí Time của Mỹ cho biết, theo quy định ở Vương quốc Anh, người Anh rời quê hương từ 15 năm trước khi diễn ra trưng cầu dân ý không có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu Brexit, họ cũng không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử khác của Anh. Điều này đi ngược với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, khi người dân có quyền bỏ phiếu suốt đời miễn là họ vẫn giữ quốc tịch. Chị Charlotte Oliver, luật sư người Anh làm việc ở Rome hơn 15 năm và lập gia đình, sinh con ở Italia, nói: “Tôi bị sốc và kinh hoàng”.

Tòa án Nhân quyền EU đã phán quyết rằng quy định nói trên của Anh đã vi phạm quyền công dân châu Âu. Theo thống kê, trong số 5 triệu công dân Anh sống ở nước ngoài, khoảng 1,2 triệu người sống trong 27 thành viên EU, gần bằng con số phiếu chênh lệch 1,269 triệu người đòi rời khỏi EU so với số phiếu ủng hộ ở lại.

Người Anh ủng hộ ở lại EU biểu tình trước trụ sở Chính phủ Anh

Theo báo Guardian, cuộc trưng cầu dân ý đã làm cho nước Anh rơi vào tình trạng chia rẽ. Một nhóm các thành viên của đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ ở lại EU đã la ó chế nhạo cựu Thị trưởng London Boris Johnson, người có thể thay ông David Cameron làm thủ tướng. Ông Johnson thay vì mừng rỡ với kết quả Anh rời EU lại tỏ vẻ e dè khi cho rằng “Anh rời châu Âu không có nghĩa là phải chặt cầu ngay”.

Cũng theo báo Guardian, ông Johnson và nhiều người Anh khác dù tuyên bố ủng hộ Anh rời EU như trong tận đáy lòng vẫn nghĩ là kết quả bên ủng hộ ở lại sẽ thắng, báo này gọi đó là những người ủng hộ Anh ở lại EU một cách miễn cưỡng, con số này không phải là ít. Có lẽ vậy nên giờ đây ông cũng không gần như bị sốc.

Công đảng đối lập đã cáo buộc ông Johnson đã làm mất việc hàng ngàn công dân Anh chỉ để đảm bảo một cho ông thăng quan tiến chức.

Trước mắt, ông Johnson, chứ không phải ông Cameron sẽ phải kế thừa một đất nước Anh chia rẽ và đang trên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế và hiến pháp.

Ông cũng phải hứng chịu sự cuồng nộ từ những cử tri tuyệt vọng đã và sẽ phản ứng dữ dội vì ảnh hưởng đến việc làm của họ. Theo Guardian, thậm chí những người đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU giờ cũng đang suy nghĩ lại về lá phiếu của mình. Ngay trước tòa nhà Chính phủ Anh, đám đông đã biểu tình giương khẩu hiệu: “Bất cứ ai ngoài Boris (Johnson) lãnh đạo nước Anh”.

Cơn địa chấn Brexit “cuốn trôi” hơn 2.000 tỷ USD

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s ngày 25-6 đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng đối với Anh từ ổn định xuống tiêu cực trong bối cảnh mà Moody’s tin rằng Anh sẽ phải trải qua thời gian dài bất ổn sau khi rời khỏi EU. Moody’s cho biết không thể tiên đoán hậu quả của Brexit nhưng chắc chắn là tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ thấp hơn.

Theo Moody’s, về lâu dài, Anh không thể đảm bảo một thỏa thuận thương mại lợi hơn thay thế cho tư cách thành viên EU và các nước khác. Standard & Poor cũng đã cảnh báo khả năng Anh sẽ không thể duy trì ở mức đánh giá tín dụng cao AAA như hiện nay. Do tác động của Brexit, theo Reuters, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã “bay hơi” hơn 2.000 tỷ USD, riêng với 15 người giàu nhất nước Anh mất tổng cộng 4 tỷ bảng Anh trong ngày 24-6, trong đó người giàu nhất nước Anh là Gerald Grosvenor, Công tước xứ Westminster, mất tới 727 triệu bảng Anh.

Thống đốc Ngân hàng Anh Carney cho biết Anh đang chuẩn bị tốt cho mọi tình huống xấu nhất. Kho bạc và Ngân hàng Trung ương Anh đã có kế hoạch dự phòng tung 250 tỷ bảng Anh vào thị trường để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng. Đồng bảng Anh trong ngày 25-6 đã tăng nhẹ trở lại với 1 bảng Anh = 1,36 USD sau khi xuống mức thấp nhất 1,32 USD, nhưng vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 31 năm qua. Trong các nước thành viên EU, TTCK Milan, Italia rớt giá nặng nhất với 12%, kế tiếp là TTCK Madrid. Giá vàng thế giới cũng đã tăng 8% vì các nhà đầu tư tìm đến kim loại này dự trữ trong bối cảnh bất ổn TTCK.

 Phản ứng của các lãnh đạo trên thế giới

- Tổng thống Pháp Francois Hollande: “Đây là lựa chọn đau đớn và thật đáng tiếc cho cả Anh và châu Âu. Nhưng sự lựa chọn này là của người dân Anh và chúng ta phải tôn trọng, chấp nhận tất cả hậu quả”.

- Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Chúng tôi hối tiếc về quyết định của người dân Anh. Không có nghi ngờ rằng đây là một đòn giáng mạnh vào châu Âu và quá trình thống nhất châu Âu”.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Người dân Vương quốc Anh đã lên tiếng và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ. Mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh vẫn còn là một nền tảng quan trọng trong chính sách an ninh, đối ngoại và kinh tế của Mỹ. Anh và EU sẽ vẫn là đối tác không thể thiếu của Mỹ”.

- Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Một tuyên bố của Thủ tướng Anh Cameron trước khi cuộc trưng cầu diễn ra cho rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ Brexit là không có cơ sở”.

- Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde: “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Anh và EU cộng tác để đảm bảo một sự chuyển tiếp dễ dàng sang mối quan hệ kinh tế mới giữa Anh và EU”.

- Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với Vương quốc Anh và EU - cả hai đối tác quan trọng về phát triển và các vấn đề nhân đạo, cũng như hòa bình và an ninh, bao gồm cả di cư”.

- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: “Chúng tôi rất lo ngại về rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, và các thị trường tài chính”. 

Kiến nghị tổ chức lại trưng cầu dân ý


Trang web của Quốc hội Anh đã nhận được bản kiến ​​nghị kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai với hơn 1 triệu chữ ký. Kiến nghị kêu gọi đưa ra quy định rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý sau này có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu ít hơn 60% phiếu thuận hay chống đưa Anh rời khỏi EU cùng với tỷ lệ đi bỏ phiếu dưới 75% thì nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác. Bản kiến nghị cho thấy đa số người ký tên thuộc các thành phố lớn của nước Anh, cao nhất là London - nơi mà hầu hết người dân bỏ phiếu ở lại hôm 24-6. Thậm chí họ còn kêu gọi Thị trưởng London Sadiq Khan tách London khỏi Anh để gia nhập EU. Theo quy định, bất kỳ kiến nghị nào nếu thu thập trên 100.000 chữ ký sẽ được Hạ viện Anh xem xét.

Trong khi đó, ông Jonathan Hill, Ủy viên EU của Anh đã tuyên bố từ chức khi thất vọng về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Ông cho biết: “Điều gì đã làm rồi thì sẽ không thể vãn hồi được”.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU gồm Đức, Pháp, Bỉ, Italia, Hà Lan và Luxembourg ngày 25-6 đã có cuộc họp khẩn tại Berlin, Đức. Thông báo chung của cuộc họp yêu cầu Anh bắt đầu đàm phán nhanh các thủ tục để rời khỏi EU càng sớm càng tốt. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, không nên để tình trạng bất ổn kéo dài và Anh nên sớm chỉ định thủ tướng mới để xúc tiến công việc rời EU. 


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục