Tập làm nông dân

Ngày chủ nhật tại một nông trang ở tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 1 giờ 30 lái xe. Gần 30 người đang tập trung để chuẩn bị làm công việc đồng áng. Họ không phải là nông dân, đơn thuần chỉ là những người yêu thích nông nghiệp, muốn dành ngày cuối tuần về với đồng ruộng, cỏ cây.
Tập làm nông dân

Ngày chủ nhật tại một nông trang ở tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 1 giờ 30 lái xe. Gần 30 người đang tập trung để chuẩn bị làm công việc đồng áng. Họ không phải là nông dân, đơn thuần chỉ là những người yêu thích nông nghiệp, muốn dành ngày cuối tuần về với đồng ruộng, cỏ cây.

Buổi lao động bắt đầu bằng các động tác thể dục, vừa để khởi động, vừa là cơ hội để mọi người làm quen với nhau. Hoạt động này xuất phát từ chương trình sinh hoạt có tên “nông nghiệp ngày chủ nhật” của một nhóm 20 người là cựu sinh viên trường đại học Nông nghiệp Tokyo. Nhóm được thành lập 13 năm trước, xuất phát từ sở thích làm nông của các thành viên và mong muốn giáo dục con cháu về giá trị của thực phẩm. Sống ở Tokyo và các tỉnh lân cận nhưng nhóm đã thuê gần 2 ha đất ở Ibaraki, một tỉnh nổi tiếng về nông nghiệp ở Nhật Bản.

Cùng nhau trồng khoai tây

Việc kết hợp hoạt động với người Việt mới bắt đầu từ tháng 2 năm nay. Chia sẻ về lý do kết hợp này, ông Takamura Yukihide, người phụ trách nhóm người Nhật cho biết, ban đầu, trong nhóm chỉ có một người Việt Nam. Anh này tham gia hoạt động của một nhóm các bạn trẻ người Việt, rồi kết nối họ với nhóm. Các thành viên người Việt đa phần thuộc nhóm Betoaji, một nhóm tình nguyện của thanh niên Việt Nam ở Nhật Bản. Số lượng người Việt tham gia hoạt động nông nghiệp ngày chủ nhật không cố định. Họ lập một trang facebook riêng để cung cấp thông tin về hoạt động. Ai thích thì có thể đăng ký tham gia, kể cả những người ngoài nhóm Betoaji.

Anh Đồng Khắc Thái, phụ trách nhóm người Việt, cho hay các thành viên khi tham gia hoạt động có 2 mục đích. Thứ nhất là để giao lưu. Mọi người trong tuần rất bận rộn, khó gặp nhau nên cuối tuần thông qua một hoạt động gì đó để người Việt vừa gặp nhau vừa làm quen với người Nhật. Thứ hai là để học tiếng Nhật và học về nông nghiệp. “Trong tương lai, khi về Việt Nam, mình muốn có một khu vườn riêng của gia đình. Vì vậy, những kinh nghiệm hỏi được sẽ rất có ích cho mình”, anh Thái chia sẻ.

Khác với anh Thái, một số người tuy công việc hoàn toàn không liên quan tới nông nghiệp nhưng muốn tìm hiểu lĩnh vực này một cách nghiêm túc. Chị Vũ Thùy Trang, hiện đang là một kỹ sư công nghệ thông tin ở Tokyo, cho biết chị tham gia hoạt động này vì đang cùng một người bạn ấp ủ ý tưởng áp dụng công nghệ thông tin vào việc trồng rau hữu cơ để giúp người nông dân Việt Nam. “Vấn đề an toàn thực phẩm, rau sạch ở Việt Nam đang ở mức báo động, chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào phát triển rau hữu cơ, rau sạch. Tôi mong muốn có một cách nào đó để giúp người nông dân không có vốn đầu tư và khó khăn trong việc tìm hướng đi”, chị Trang cho biết.

Chị Trần Thị Thu Phương, cán bộ của học viện nông nghiệp Việt Nam hiện theo học tiến sĩ nông nghiệp ở đại học Tokyo, cho biết: “Nông dân Nhật Bản làm theo một công thức có sẵn, họ không làm theo kiểu kinh nghiệm của Việt Nam. Ví dụ như ta thường ước lượng khoảng cách thì ở đây, khoảng cách đo bằng thước. Tất cả theo công thức nên chất lượng đầu ra sản phẩm đều nhau về chất lượng, kích thước. Sử dụng phân gà tốt cho cây trồng, trong khi Việt Nam sử dụng phân trâu, bò”.

Hoàn thành việc đồng áng, ai cũng thấy vui, quây quần liên hoan với các món ăn đã chuẩn bị từ trước, có cả món Việt, Nhật và đặc biệt là các món được nấu từ chính những rau củ tươi ngon, thu hoạch từ nông trại. Nói về kế hoạch tương lai, ông Takamura cho biết đang tính chuyện trồng một số loại rau của Việt Nam ở nông trang. Các thành viên người Việt đang sôi nổi thảo luận để tìm ra loại cây trồng thích hợp. Không bao lâu nữa, rất có thể những lứa rau Việt Nam đầu tiên sẽ được thu hoạch, như một thành quả cho sự giao lưu Nhật - Việt ý nghĩa này.


HÀ THU

Tin cùng chuyên mục