Kenya đốt hơn 100 tấn ngà voi và 1,5 tấn sừng tê giác

Ngày 30-4, tại Kenya, 11 giàn hỏa lớn được dựng lên để đốt 105 tấn ngà voi và 1,5 tấn sừng tê giác trong khoảng 4 giờ. Đây là lần tiêu hủy lượng ngà voi bất hợp pháp lớn nhất tại quốc gia Đông Phi này, tương đương số ngà của hơn 6.000 con voi bị giết.
Kenya đốt hơn 100 tấn ngà voi và 1,5 tấn sừng tê giác

(SGGPO).- Ngày 30-4, tại Kenya, 11 giàn hỏa lớn được dựng lên để đốt 105 tấn ngà voi và 1,5 tấn sừng tê giác trong khoảng 4 giờ. Đây là lần tiêu hủy lượng ngà voi bất hợp pháp lớn nhất tại quốc gia Đông Phi này, tương đương số ngà của hơn 6.000 con voi bị giết.

105 tấn ngà voi và 1,5 tấn sừng tê giác được tiêu hủy trên 11 giàn hỏa lớn ngày 30-4-2016. Ảnh: AP

The Telegraph cho biết, buổi lễ tại Công viên Quốc gia Nairobi ngày 30-4 có sự tham dự của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba và Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, các quan chức cấp cao của Liên hiệp quốc và Mỹ, cùng các tổ chức từ thiện.

Kenya, Gabon, Uganda và Botswana là 4 quốc gia hiện chiếm hơn một nửa số voi còn lại của châu Phi. Ngày 29-4, lãnh đạo 4 nước đã họp thảo luận biện pháp mới ngăn chặn nạn săn trộm, bao gồm kêu gọi đóng cửa các thị trường ngà voi hợp pháp còn lại của thế giới.

Tổng thống Kenyatta tuyên bố Kenya sẽ tìm kiếm một "lệnh cấm buôn bán ngà voi" tại hội nghị Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), tại Johannesburg, Nam Phi vào tháng 9 tới. "Tương lai của voi và tê giác châu Phi vẫn không an toàn khi mà nhu cầu các sản phẩm từ chúng vẫn tồn tại", Tổng thống Kenyatta nói.

Các tổ chức bảo tồn thế giới đã hoan nghênh hành động của Kenya tiêu hủy ngà voi. Theo tổ chức Born Free (BFF), từ năm 2008-2013, khoảng 30.000-50.000 con voi đã bị giết mỗi năm và số voi bị giết đang vượt xa số voi sinh ra ở châu Phi.

Trong 105 tấn ngà voi bị tiêu hủy có nhiều tượng chế tác từ ngà voi. Ảnh: AFRICAN WILDLIFE FOUNDATION

Ronnie Wood, thành viên ban nhạc The Rolling Stones, người bảo trợ tổ chức từ thiện Tusk, phát biểu: "Tôi rất buồn khi nghĩ rằng trong khoảng 15 năm nữa, voi, tê giác và cả sư tử có thể biến mất khỏi thế giới hoang dã, tước mất của con em chúng ta cơ hội trải nghiệm tìm hiểu và yêu thương động vật. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra".

Iain Douglas-Hamilton, người sáng lập tổ chức Save the Elephants, cho biết sự hợp tác giữa các quốc gia châu Phi là rất cần thiết, với ý chí chính trị để thách thức nạn săn trộm, buôn bán và tham nhũng cấp cao đe dọa các di sản thiên nhiên của châu lục này.

Trong cuộc chiến cứu voi khỏi tuyệt chủng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêu hủy ngà voi bị tịch thu bằng cách đốt hoặc nghiền nát nhằm ngăn chặn buôn bán ngà voi trên thị trường thế giới, cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Kenya lần đầu tiên đốt ngà voi vào năm 1989, dưới thời Tổng thống Daniel Arap Moi, thể hiện quyết tâm bảo vệ đàn voi còn lại của nước này, vốn đã giảm 90% trong 15 năm trước đó, từ 168.000 con còn chỉ 15.000 con.

Theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), từ năm 1989, 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêu hủy hơn 263 tấn ngà voi.

GIA HY

Tin cùng chuyên mục