Cộng đồng quốc tế tăng sức ép với Triều Tiên

Ngoại trưởng Canada và Nhật Bản ngày 13-2 đã hối thúc Triều Tiên không có thêm các hành động khiêu khích sau vụ phóng tên lửa gần đây. Trong lúc Mỹ và đồng minh đang vận động thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) tăng cường cấm vận Triều Tiên, Quốc hội Mỹ đã thông qua các biện pháp mới siết chặt cấm vận Bình Nhưỡng.
Cộng đồng quốc tế tăng sức ép với Triều Tiên

Ngoại trưởng Canada và Nhật Bản ngày 13-2 đã hối thúc Triều Tiên không có thêm các hành động khiêu khích sau vụ phóng tên lửa gần đây. Trong lúc Mỹ và đồng minh đang vận động thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) tăng cường cấm vận Triều Tiên, Quốc hội Mỹ đã thông qua các biện pháp mới siết chặt cấm vận Bình Nhưỡng.

Siết chặt trừng phạt

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Canada, Stephane Dion, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, hai bên lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 1 cũng như vụ phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7-2, đồng thời nhất trí cho rằng HĐBA LHQ cần phải nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: “Những hành động khiêu khích của Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình quốc tế”. Đây cũng là nội dung thảo luận chính tại hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào tháng 4 tới. Nhật Bản và Canada hy vọng Trung Quốc sẽ sẵn sàng tham gia các sáng kiến trừng phạt Triều Tiên.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan ký thông qua gói siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Tại Mỹ, ngày 12-2 (giờ Washington), theo Korea Herald, với số phiếu áp đảo 408/2, Hạ viện đã chính thức thông qua gói các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt chống Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Hạ viện đã thông qua gói biện pháp này sau 2 ngày Thượng viện nhất trí thông qua. Gói trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào đầu tuần tới. Người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz cho biết: “Giống như nhiều thành viên của Quốc hội, Chính phủ Mỹ lo ngại sâu sắc về những hành động gần đây của Triều Tiên”. Đây là lần đầu tiên một dự luật trừng phạt Triều Tiên đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Trước đây, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã có các biện pháp riêng lẻ trừng phạt Triều Tiên.

Gói biện pháp trừng phạt Triều Tiên bao gồm danh sách đen các tổ chức giúp Bình Nhưỡng trong các chương trình hạt nhân và tên lửa, vi phạm nhân quyền, các cuộc tấn công mạng và tội phạm khác. Gói trừng phạt cũng sẽ thi hành trừng phạt với những tổ chức và cá nhân tham gia vào các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên, cấm hàng nhập khẩu sang trọng vào Triều Tiên, trừng phạt cá nhân và tổ chức tham gia vào các hoạt động rửa tiền, sản xuất hàng giả, ma túy buôn bán liên quan đến Triều Tiên. Gói trừng phạt còn phong tỏa các hoạt động buôn bán khoáng chất và các kim loại quý, nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Mỹ chuẩn bị triển khai THAAD ở Hàn Quốc

Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán vào tuần tới để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc sau vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Theo Reuters, cuộc thảo luận sẽ tập trung vào cách thức đặt hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết, một nhóm công tác hỗn hợp sẽ “xem xét tất cả các khía cạnh liên quan đến khả năng của việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, đồng minh lớn của Bình Nhưỡng cho biết, Bắc Kinh ủng hộ một nghị quyết của HĐBA LHQ buộc Bình Nhưỡng phải “trả giá”. Mặc dù vậy, ông Vương Nghị bày tỏ lo ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD tinh vi tại Hàn Quốc và cho rằng hệ thống này cũng có thể được sử dụng nhắm vào Trung Quốc. Cho tới nay, Seoul đã miễn cưỡng thảo luận cởi mở với Mỹ về việc triển khai hệ thốngTHAAD vì họ lo ngại nguy cơ gây tổn hại quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Nga cũng đã bày tỏ lo ngại về việc triển khai hệ thống THAAD, nói rằng hành động này có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Hàn Quốc và Mỹ cho biết, hệ thống THAAD do hãng Lockheed Martin Corp (LMT.N) chế tạo được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối cùng trước khi chạm mục tiêu; không gây hại cho bất kỳ nước nào khác.

 Ngày 13-2, Chính phủ Triều Tiên tuyên bố ngừng điều tra về các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Ủy ban điều tra đặc biệt về vấn đề này sẽ bị giải thể. Cuộc điều tra đã được tiến hành từ tháng 7-2014.  Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ theo dõi diễn biến vụ việc trong khi tiếp tục phân tích những hành động tiếp theo của Triều Tiên.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục