EU chia rẽ trong việc tìm tiếng nói chung với Tổng thống đắc cử Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng các nước thành viên trong ngày 13-11 để thảo luận về lập trường chung của khối trước việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể có quan điểm khác với EU về một số vấn đề như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), tự do thương mại và quan hệ với Nga.
EU chia rẽ trong việc tìm tiếng nói chung với Tổng thống đắc cử Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng các nước thành viên trong ngày 13-11 để thảo luận về lập trường chung của khối trước việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể có quan điểm khác với EU về một số vấn đề như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), tự do thương mại và quan hệ với Nga.

Mục đích của cuộc họp là nhằm đưa ra thông điệp chung của EU tới Tổng thống đắc cử Mỹ, tuy nhiên ngoại trưởng Anh, Pháp và Hungary đã không tham dự cuộc họp.

Lá cờ Liên minh châu Âu. Ảnh minh họa: REUTERS

Theo Reuters, phát biểu sau cuộc họp, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố EU hướng tới hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ. Ngoại trưởng các nước EU bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới và quyết định bắt đầu công việc này ngay sau quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ. Bà Federica Mogherini cũng bày tỏ hy vọng có thể thăm Mỹ trong thời gian tới và mời bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền mới tham dự cuộc họp của Hội đồng EU tại Brussels.

Bà Mogherini cũng nhấn mạnh, EU không thay đổi chính sách đối với Nga, ngay cả khi Mỹ thay đổi chính sách này. Theo bà, EU giữ lập trường nguyên tắc đối với việc Nga sát nhập Crimea  và tình hình tại Ukraine và lập trường này không thay đổi. Đồng thời EU tiếp tục đối thoại với Nga về các vấn đề như Iran và các vấn đề khác.

Theo một nhà ngoại giao EU, việc ông Trump thắng cử tại Mỹ và việc Anh rời khỏi EU đã khiến các quan chức EU kêu gọi một cuộc cải tổ tổng thể đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình. Đức và Pháp muốn tăng cường hội nhập hơn nữa giữa các nước trong EU vì cho rằng nếu như Mỹ không muốn gắn kết với châu Âu như trước đây nữa thì châu Âu cần phải tự lo cho vấn đề an ninh của châu lục mình.

Tuy nhiên, các nước EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Pháp và Đức đang phối hợp với nhau nhằm tìm ra một chính sách chung đối với chính quyền của ông D. Trump, trong khi Anh lại đang nỗ lực để duy trì vị thế là đồng minh chính của Mỹ tại châu Âu.

PHAN ANH

Tin cùng chuyên mục