Chiến dịch tấn công Mosul: Cam go cuộc chiến giành hòa bình

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, các lực lượng chính phủ nước này đang có những bước tiến nhanh hơn mong đợi trong chiến dịch tổng tấn công giành lại quyền kiểm soát thành phố miền Bắc Mosul từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng các nhà phân tích lại cho rằng, mang lại hòa bình cho Mosul sau khi tái chiếm thành phố này mới là cuộc chiến cam go nhất.
Chiến dịch tấn công Mosul: Cam go cuộc chiến giành hòa bình

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, các lực lượng chính phủ nước này đang có những bước tiến nhanh hơn mong đợi trong chiến dịch tổng tấn công giành lại quyền kiểm soát thành phố miền Bắc Mosul từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng các nhà phân tích lại cho rằng, mang lại hòa bình cho Mosul sau khi tái chiếm thành phố này mới là cuộc chiến cam go nhất.

Tín hiệu lạc quan

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến quốc tế về tương lai của Mosul do Iraq và Pháp đồng chủ trì tại thủ đô Paris, Thủ tướng Iraq al-Abadi khẳng định, Baghdad “đã đạt được những tiến triển khả quan hơn dự kiến trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát Mosul - thành trì cuối cùng của IS tại Iraq”. Ông al-Abadi cũng cam kết sẽ bảo vệ thường dân sơ tán khỏi Mosul do lo ngại giao tranh. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, các phần tử IS hiện đang trốn chạy tới Raqa - thành trì của IS ở nước láng giềng Syria, đồng thời cam kết sẽ không cho các phần tử IS thoát khỏi Mosul.

Từ ngày 17-10 tới nay, các lực lượng an ninh Iraq đã phối hợp cùng các lực lượng người Kurd giành lại quyền kiểm soát thị trấn Bartillah, cách Mosul 20km về phía Đông, tiêu diệt hàng chục phiến quân IS, thu giữ một lượng lớn vũ khí, đạn dược và thuốc nổ. Ở phía Nam, lực lượng của Chính phủ Iraq cũng đang có những bước tiến chắc chắn, mở đường đến thung lũng Tigris. Trong khi đó, các lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát một số ngôi làng như Nawran, Barmia, Kani Shrin…  và mở một mặt trận tấn công mới từ nhiều hướng vào thị trấn Bashiqa ở Đông Bắc Mosul. Hiện quân chính phủ và các lực lượng Iraq vẫn chưa công bố con số thương vong trong 4 ngày đầu tiên của chiến dịch. Trong khi đó, Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết, giao tranh tại Mosul trong 3 ngày qua đã khiến 5.640 người phải sơ tán. Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), người dân đã di chuyển từ phía Tây sang phía Đông Mosul sau khi xảy ra các cuộc không kích và bắn phá ở phía Tây. 

Lực lượng quân đội Iraq tiến chiếm Qayara, phía Nam Mosul  Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh giao tranh dữ dội tại Mosul, thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh cho vợ và bạn gái của các chiến binh IS di tản khỏi thành phố. Những người vợ của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi cũng đã được đưa khỏi Mosul. Kênh truyền thông Al Sumaria của Iraq cho biết, IS đã sơ tán phụ nữ khỏi Mosul để tới các thành phố khác của Syria như Raqqa trong vài ngày qua. Nhân cơ hội này, nhiều chiến binh IS đào tẩu bằng cách mặc váy của vợ hoặc bạn gái, hóa trang thành phụ nữ để bỏ trốn. Lực lượng bán quân sự người Kurd đang tham gia chiến dịch tái chiếm Mosul đã bắt sống được 2 chiến binh IS trong trang phục phụ nữ.

Tướng Gary Volesky của quân đội Mỹ cũng xác nhận, không chỉ chiến binh IS mà rất nhiều thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này cũng đang lũ lượt tháo chạy khỏi thành phố.

Còn nhiều lo ngại

Các nhà phân tích cũng như các chính trị gia tin tưởng chiến dịch quân sự này sẽ thành công trong việc giải phóng Mosul, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại về tương lai của thành phố này. Lãnh đạo vùng Kurdistan ở Iraq, ông Massoud Barzani, nói rằng việc phối hợp tác chiến trong chiến dịch quân sự vừa qua là một dấu hiệu tích cực: “Đây là lần đầu tiên các lực lượng Peshmerga và quân đội Iraq phối hợp tác chiến và chia sẻ thông tin trên chiến trường chống IS. Người Hồi giáo Shi’ite là thành phần chiếm đa số trong chính phủ và quân đội Iraq. Thủ tướng Haider al-Abadi từng tuyên bố sẽ không dung thứ tình trạng chia rẽ giáo phái và sắc tộc. Nhưng hiện có một số đồn đoán nói rằng người Kurd muốn những vùng lãnh thổ mà các lực lượng Peshmerga chiếm được sẽ trở thành lãnh thổ Kurdistan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn người địa phương theo dòng Sunni nắm quyền kiểm soát TP Mosul”.

Nhà phân tích Trevor Thrall thuộc Viện nghiên cứu Cato ở Washington nhận định, mang lại hòa bình cho Mosul sau khi tái chiếm thành phố này mới là cuộc chiến gay go nhất: “Câu hỏi lớn nhất là sau khi tái chiếm có thiết lập hòa bình thực sự ở Mosul không. Theo tôi, nếu Mỹ không có kế hoạch cho hòa bình, thì chính phủ Iraq cũng chẳng có kế hoạch đó. Mối nguy thực sự ở Mosul là phải phá vỡ bế tắc bằng việc mang lại hòa bình, bởi vì Mỹ ở Iraq đến nay đã 12 hay 13 năm rồi nhưng chưa tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này”.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục