Nga và Syria tạm ngừng không kích Aleppo

Theo Russia Today, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, các lực lượng không quân của nước này và Syria đã ngừng hoạt động không kích ở thành phố Aleppo của Syria từ 10 giờ ngày 18-10 (giờ địa phương) trước thềm lệnh ngừng bắn nhân đạo được công bố theo kế hoạch vào ngày 20-10.
Nga và Syria tạm ngừng không kích Aleppo

Theo Russia Today, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, các lực lượng không quân của nước này và Syria đã ngừng hoạt động không kích ở thành phố Aleppo của Syria từ 10 giờ ngày 18-10 (giờ địa phương) trước thềm lệnh ngừng bắn nhân đạo được công bố theo kế hoạch vào ngày 20-10.

Mở cửa hành lang nhân đạo

Trước đó, quân đội Nga thông báo các lực lượng nước này và binh sĩ Chính phủ Syria sẽ ngừng bắn trong 8 giờ tại thành phố Aleppo vào sáng 20-10. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch tấn công nhằm vào Aleppo đang hứng chịu nhiều chỉ trích. Phía Nga cho biết đây là lệnh ngừng bắn nhân đạo, chủ yếu để tạo điều kiện cho dân thường tự do di chuyển, sơ tán người người bị bệnh, bị thương và đảm bảo cho các tay súng rút lui. Lệnh ngừng bắn đã nhận được sự hoan nghênh của Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo thỏa thuận này, quân đội Chính phủ Syria đang kiểm soát ở phía Tây thành phố và bao vây khu phía Đông sẽ tạo hành lang để dân thường rút đi.

Động thái trên của quân đội Nga đưa ra trong bối cảnh Nga và Mỹ cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân khiến lệnh đình chiến hồi tháng 9 ở Syria đổ vỡ (lệnh đình chiến kéo dài 1 tuần giữa tháng 9 ở Syria do Nga và Mỹ làm trung gian). Tuy nhiên, thay vì giúp hạ nhiệt chiến sự, tình hình ở Aleppo vẫn khốc liệt với các cuộc không kích khiến hàng trăm người thiệt mạng. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ, Aleppo trở thành điểm giao tranh ác liệt nhất tại Syria trong bối cảnh cả quân đội chính phủ và lực lượng đối lập tăng cường quân tiếp viện tới chiến trường này. Aleppo là thành phố lớn tại Syria với 250.000 người dân đang sinh sống, trong đó có 85.000 trẻ em. Việc bao vây thành phố Aleppo khiến dư luận chỉ trích các bên gây chiến đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Thành phố Aleppo sau các chiến dịch không kích

Chiều cùng ngày, phát biểu trước giới báo chí tại Mátxcơva, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov nêu rõ quan điểm của Điện Kremlin cho rằng, lệnh ngừng bắn là cơ hội để các bên tỏ rõ thiện chí trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, tưởng như đã bị đổ vỡ sau khi Mỹ đình chỉ đàm phán với Nga. Tuyên bố ngừng bắn trên của Nga ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ dư luận quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, các chuyên gia quân sự nước này và Mỹ sẽ nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về việc tách biệt phe đối lập ở Syria với các nhóm khủng bố.

Trong diễn biến khác, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, quân đội Syria đã giành lại một thị trấn chủ chốt của tỉnh Hama, miền Trung nước này. Thị trấn này có ý nghĩa chiến lược vì kiểm soát được thị trấn sẽ giúp quân đội Syria có khả năng tiến vào các khu vực khác do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở tỉnh Hama.

Có gia tăng trừng phạt?

Hành động ngừng bắn từ phía Nga và quân đội Syria tại Aleppo được coi là một hành động có thiện chí. Tuy nhiên, liệu hành động này có làm thay đổi kế hoạch gia tăng trừng phạt Nga và Syria tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hay không thì vẫn chưa thể có câu trả lời. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 20-10, một số quốc gia đã ủng hộ việc gia tăng trừng phạt Nga và Syria, trong đó đề xuất đưa thêm các cá nhân và công ty vào danh sách trừng phạt. Trước đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô London (Anh) trước đó cũng cho biết, Anh và Mỹ đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Chính phủ Syria, song không nhắc đến Nga. Pháp cũng nằm trong số các quốc gia ủng hộ một lệnh trừng phạt mới để tiến tới việc chấm dứt chiến sự tại Aleppo.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia - Margallo, nước đồng tài trợ cho dự thảo nghị quyết của Pháp về lệnh ngừng bắn tại Syria, vốn bị Nga phủ quyết, mới đây cũng lên tiếng sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga nếu các biện pháp trừng phạt giúp quan điểm của Nga về Syria xích lại gần hơn với EU. Tuy nhiên, các đề xuất trừng phạt Nga đang vấp phải sự phản đối của không ít nước thành viên EU, trong đó có Áo, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Hungary.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục