Ukraine đối mặt nguy cơ gia tăng căng thẳng

Hôm nay, 31-8, Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua cải cách Hiến pháp. Ngay trước thềm sự kiện này diễn ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố sẽ loại bỏ điều khoản trao quy chế đặc biệt cho một số khu vực, một động thái khiến giới quan sát quan ngại sẽ làm tình hình Ukraine càng trở nên căng thẳng.
Ukraine đối mặt nguy cơ gia tăng căng thẳng

Hôm nay, 31-8, Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua cải cách Hiến pháp. Ngay trước thềm sự kiện này diễn ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố sẽ loại bỏ điều khoản trao quy chế đặc biệt cho một số khu vực, một động thái khiến giới quan sát quan ngại sẽ làm tình hình Ukraine càng trở nên căng thẳng.

Vi phạm thỏa thuận

Trên tài khoản Twitter, Tổng thống P.Poroshenko cho biết: “Chúng tôi sẽ bỏ Điều 92 trong Hiến pháp cho phép trao quy chế đặc biệt cho một số khu vực. Không có chuyện liên bang hóa hay quy chế đặc biệt về lãnh thổ. Chúng tôi sẽ bảo vệ quy chế đơn nhất của Ukraine”.

Cuối tháng 7 vừa qua, đích thân ông P.Poroshenko đã đưa phần xác định quy chế đặc biệt cho các tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine vào các quy định chuyển tiếp của Luật sửa đổi Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp Ukraine cũng đã thừa nhận tính hợp pháp của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có các quy định tạm thời xác định quy chế đặc biệt của miền Đông Ukraine bằng đạo luật riêng. Sau quyết định của Tòa án Hiến pháp, các nghị sĩ Ukraine có thể xem xét dự thảo sửa đổi trong lần thảo luận đầu tiên với tối thiểu 226 phiếu và thông qua trong lần đọc thứ hai với 300 phiếu. Dự thảo sửa đổi hiến pháp này nhiều khả năng sẽ được thông qua. Như vậy, không có biến chuyển gì về việc thực hiện điều khoản trao quy chế đặc biệt cho miền Đông Ukraine, được quy định trong thỏa thuận Minsk 2, được ký kết hồi tháng 2 năm nay.

Căng thẳng tại miền Đông có nguy cơ gia tăng nếu Hiến pháp mới có hiệu lực

Các đại diện của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) phản đối Kiev bởi việc sửa đổi Hiến pháp không hề được bàn bạc với đại diện của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Việc sửa đổi hiến pháp không có tham vấn và thống nhất quan điểm với đại diện các nước cộng hòa tự xưng và không được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ tiến trình Minsk sẽ được coi là không có hiệu lực và vi phạm 13 điểm cần thực hiện do Nhóm tiếp xúc 3 bên về Ukraine (Nga, Ukraine và OSCE) đưa ra.

Miền Đông khó chấp nhận Hiến pháp mới

Cuối tháng 6, Ủy ban Hiến pháp Ukraine đã thông qua những sửa đổi cơ bản trong Hiến pháp đất nước về phân cấp quản lý. Theo Tổng thống P.Poroshenko, việc phân cấp quyền lực trung ương sẽ không liên quan những lĩnh vực trọng yếu quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, quan hệ đối ngoại… bởi đó là những vấn đề cốt yếu để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ và sự quản lý của chính quyền Kiev.

Ủy ban Hiến pháp Ukraine cũng đưa ra quy định về giải tán Hội đồng địa phương khi những người lãnh đạo cộng đồng hoặc các cơ quan chính quyền địa phương thông qua những quyết định gây nguy hại cho nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Như vậy, thực chất Kiev chỉ trao cho DPR và LPR quyền điều hành hoạt động địa phương chứ không có quyền tự quyết. Điều này sẽ khó được lực lượng đòi độc lập chấp nhận bởi nó không có điểm nào đáp ứng yêu cầu của họ đó là độc lập hoàn toàn, thành lập chính thể mới, hoặc độc lập trong khuôn khổ một nhà nước liên bang. Nếu Hiến pháp mới có hiệu lực, tất cả các vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát sẽ phải trao trả lại chính quyền trung ương ở Kiev. Các lực lượng vũ trang của phe đòi độc lập sẽ phải giải giáp vũ khí hoặc gia nhập quân chính phủ, đồng thời những người đứng đầu vùng sẽ chỉ là người điều hành thực hiện các chính sách mà Kiev đưa xuống. Lực lượng đòi độc lập ở miền Đông chắc chắn sẽ không chấp nhận điều này và nguy cơ bạo lực bùng phát ở miền Đông sẽ là rất lớn.

Ngày 29-8, lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất trí tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trong những tuần tới. Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa xác nhận ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk mà các bên xung đột tại miền Đông Ukraine đạt được tại Belarus hồi tháng 2 vừa qua. Đồng thời cũng hối thúc các bên xung đột ngừng bắn hoàn toàn từ ngày 1-9 tới.

Đỗ Cao (tổng hợp)

- Ukraine rơi vào tình trạng “phá sản không thể tránh”

Tin cùng chuyên mục