Bước chuyển tái cơ cấu nợ công quốc tế

9 nguyên tắc
Bước chuyển tái cơ cấu nợ công quốc tế

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang bên bờ vực khủng hoảng nợ công, một ủy ban đặc biệt của LHQ vừa thông qua một văn kiện “mang tính lịch sử”, theo đó thiết lập một loạt các nguyên tắc để tạo ra một tiến trình phá sản toàn cầu cho các nước. Mặc dù còn nhiều việc phải bàn, nhưng theo giới quan sát, đây là bước tiến đến gần hơn việc thành lập một cơ chế quốc tế trong vấn đề tái cơ cấu nợ công.

9 nguyên tắc

Theo International Business Times ngày 29-7, 9 nguyên tắc vừa được Ủy ban phụ trách việc xem xét quá trình tái cơ cấu nợ của các nước thuộc LHQ thông qua bao gồm: đảm bảo quyền quốc gia trong việc tái cơ cấu nợ; độ tin cậy; tính minh bạch; tính bình đẳng; cơ chế đối xử công bằng; quyền miễn tố, tính hợp pháp; sự bền vững và tái cơ cấu nợ theo đa số.

Người dân biểu tình phản đối các “quỹ kền kền” trục lợi trong quá trình tái cơ cấu nợ của Argentina.

Theo ủy ban trên, các nguyên tắc sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tính ổn định, khả năng dự báo của hệ thống tài chính quốc tế và thúc đẩy đạt được tăng trưởng bền vững và phát triển phù hợp với ưu tiên của quốc gia và tôn trọng nhân quyền. Đối với nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ, họ cần các giải pháp để bảo vệ các nhà đầu tư và người nghèo. Tuy nhiên, hệ thống tái cơ cấu nợ quốc tế hiện nay chịu sự chi phối của nhiều vấn đề, không hiệu quả và các cuộc đám phán kéo dài. Nhiều nước đang phải đối mặt với nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ khổng lồ nhưng không thể tiếp cận được luật bảo hộ phá sản khi họ đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, như các nước Caribbe, Hy Lạp và Argentina, đang kêu gọi thành lập một tiến trình phá sản toàn cầu dành cho các nước.

Cần một đạo luật phá sản công bằng

Nhận định về văn kiện “mang tính lịch sử” trên, Giám đốc chiến lược của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Richard Kozul-Wright cho rằng một phần của vấn đề là các quy tắc và thực hành đã được tạo ra ở các cấp quốc gia để quản lý các khoản nợ, không tồn tại ở cấp độ quốc tế. “Ở cấp độ quốc tế, chúng ta có mức độ nợ nần cao nhưng không tương đương với luật phá sản quốc gia. Vì vậy, những nguyên tắc ủy ban trên vừa thông qua đánh dấu “một giai đoạn quan trọng đầu tiên” mà UNCTAD đã ủng hộ trong 30 năm qua nhằm hướng đến một cách thức hợp lý hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công. Dự kiến, các nước thành viên LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu về văn kiện trên trong một cuộc họp vào đầu tháng 9 tới.

Không ít các tổ chức hoan nghênh và cho rằng “những nguyên tắc vừa thông qua cung cấp một nền tảng cho sự ổn định tài chính lớn và có khả năng để xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế Joseph Stiglitz của Mỹ cho rằng việc IMF quản lý vấn đề tái cơ cấu nợ không có ý nghĩa bởi đây là một thể chế của các chủ nợ. Ông cho rằng cần xây dựng một đạo luật phá sản công bằng và hiệu quả, nhấn mạnh các bộ luật phá sản được các chủ nợ đưa ra thường không đáp ứng được những tính chất trên. Nhà kinh tế này cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và Argentina như là những dẫn chứng gần đây nhất cho những quốc gia chịu hậu quả do thiếu một cơ chế hợp lý trong việc tái cơ cấu nợ, dẫn đến suy thoái kinh tế.

Và bởi, hiện có đến 11 nước phản đối việc thành lập ủy ban trên và đây chính là những quốc gia nắm giữ quyền biểu quyết quan trọng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - thể chế tài chính kiểm soát các vấn đề nợ công - như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Canada...

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục