Đàm phán TPP vòng cuối: Chưa hết khó khăn

Ngày 28-7, tại quần đảo Hawaii (Mỹ), trưởng đoàn đàm phán 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) họp để thảo luận các mục tiêu cho chương trình nghị sự của Hội nghị cấp Bộ trưởng (từ ngày 28 đến 31-7), giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại.
Đàm phán TPP vòng cuối: Chưa hết khó khăn

Ngày 28-7, tại quần đảo Hawaii (Mỹ), trưởng đoàn đàm phán 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) họp để thảo luận các mục tiêu cho chương trình nghị sự của Hội nghị cấp Bộ trưởng (từ ngày 28 đến 31-7), giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại.

Nhiều vướng mắc

Báo New York Times (Mỹ) cho biết hiệp định thương mại tự do kết nối 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 40% GDP toàn cầu này sẽ thực hiện vòng đàm phán cuối cùng để giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại. Trong phiên họp này, trưởng đoàn 12 nước tham gia TPP sẽ đàm phán về các mặt hàng điều chỉnh ưu đãi cho khối doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các công ty nhà nước và tư nhân. Các vấn đề vẫn còn gây tranh cãi nổi bật nhất là các rào cản bước vào thị trường nông nghiệp Canada, nỗi lo của Australia về bằng sáng chế dược ở Mỹ, quy định quản lý rừng nhiệt đới ở Peru, sợi Trung Quốc trong các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam và cuối cùng là các quy định về thị trường lao động ở Việt Nam và Mexico. Những tranh cãi về thị trường bơ sữa và gia cầm đang được bảo hộ của Canada cũng là một vấn đề gặp nhiều vướng mắc, đến nỗi một số người cho rằng có thể Canada sẽ rời khỏi TPP.

Nông dân Nhật Bản tuần hành đòi Chính phủ bảo vệ các mặt hàng nông sản.

Quốc hội Mỹ được thông báo rằng đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng. Tuy vậy, sẽ còn một thời gian nữa thì TPP mới chính thức được thông qua. Theo quy định của Quốc hội Mỹ, thỏa thuận thương mại đạt được vào ngày 31-7 sẽ không được ký trước ngày 31-10 hoặc thậm chí là đầu tháng 11. Đến tháng 12, Quốc hội Mỹ mới có thể bắt đầu xem xét.

Như vậy, sẽ phải mất tối đa 6 tháng Quốc hội Mỹ mới bỏ phiếu thông qua TPP. Theo quy định, Nhà Trắng sẽ phải công bố chi tiết hiệp định khoảng 60 ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu.

Nút thắt Mỹ, Nhật Bản

Hiện 2 nền kinh tế lớn nhất TPP là Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc đạt được thuận chung về các vấn đề liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu vào Nhật Bản đối với lúa gạo của Mỹ và tốc độ xóa bỏ thuế quan đối với phụ tùng ô tô của Nhật Bản. Đây được cho là nút thắt chính trong tiến trình đàm phán TPP.

Về phía Nhật Bản, từ khi bắt đầu tham gia đàm phán thành lập TPP năm 2010 đến nay, Hội Liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình và các hoạt động phản đối do lo ngại thị trường nông sản sẽ bị “lép vế” trước hàng hóa ngoại rẻ hơn tràn vào. Hàng ngàn nông dân Nhật Bản ngày 27-7 đã tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Tokyo yêu cầu chính phủ bảo vệ các mặt hàng nông sản chủ chốt.

Ông Toyokuni Kakurai, người đứng đầu các chiến dịch vận động do Hội Liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp phát động, cho biết các cuộc đàm phán TPP có nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của nông dân, nhưng thông tin lại không được tiết lộ.

Trong khi đó tại Mỹ, TPP cũng đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ các công đoàn lao động và tổ chức tiêu dùng ở Mỹ. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quyền thúc đẩy thương mại (TPA), nhiều công đoàn lao động Mỹ thề sẽ tiếp tục chống TPP đến cùng. Tờ Wall Street Journal cho biết dù phần lớn tập đoàn lớn ở Mỹ ủng hộ TPP, nhưng một số nhà sản xuất, trong đó có các công ty xe hơi, đang vận động những nghị sĩ bỏ phiếu chống TPP vì lo ngại giảm thuế khiến nhập khẩu gia tăng. Báo Wall Street Journal dẫn lời bà Susan Schwab, cựu đại diện thương mại Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận định “Sẽ có một cuộc chiến mới về TPP”. Với một thỏa thuận thương mại phức tạp, những người chống đối sẽ luôn chỉ trích các điểm họ cho là tiêu cực”.

Hướng tới một thỏa thuận cơ bản

Giáo sư Jeffrey Schott, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về TPP, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại thủ đô Washington, cho biết bộ trưởng của các nước tham gia đàm phán TPP đến Hawaii lần này với hy vọng có thể hoàn thành ít nhất là về cơ bản các vòng đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, đây chỉ là bước đầu tiên của tiến trình vì các thỏa thuận đạt được còn phải được các nhà lập pháp mỗi nước thông qua và phải đến đầu năm 2016, hiệp định mới có thể đến tay các nhà lập pháp.

Theo giáo sư Schott, phần lớn của thỏa thuận đã gần như hoàn tất; hiện chỉ còn một số ít các vấn đề vẫn cần thảo luận. Tuy nhiên, đây lại là những nút thắt “khó khăn nhất, phức tạp nhất hay nhạy cảm chính trị nhất” như vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, quy định với các doanh nghiệp nhà nước, điều khoản về lao động và môi trường cũng như giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Liên quan đến thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất TPP, giáo sư Schott cho biết dù chưa hoàn thành nhưng hai bên đã có những tiến triển thực chất và đang tiến rất gần tới một thỏa thuận trên cả lĩnh vực nông nghiệp cũng như ô tô. Ông Schott cũng nhấn mạnh thỏa thuận giữa Washington và Tokyo là điều kiện cần thiết để đàm phán TPP có thể kết thúc vào cuối tháng này. Theo ông, kể cả không đạt được thỏa thuận trong tuần này, những tiến triển trong đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ thúc đẩy các đối tác tham gia đàm phán khác đẩy nhanh các cuộc thương lượng về vấn đề xâm nhập thị trường và ban hành luật.

Nhiều hãng truyền thông cho biết mặc dù các bộ trưởng hay đại diện thương mại của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP có thể sẽ không ký kết một thỏa thuận trong tuần này, vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận về cơ bản và để những bất đồng lại thảo luận sau.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục