Lại đàm phán gói cứu trợ cho Hy Lạp

Theo Christian Science Monitor, ngày 27-7, Hy Lạp và đại diện các chủ nợ quốc tế gặp nhau tại Athens để thảo luận gói cứu trợ thứ ba trị giá 94 tỷ EUR. Rò rỉ kế hoạch B
Lại đàm phán gói cứu trợ cho Hy Lạp

Theo Christian Science Monitor, ngày 27-7, Hy Lạp và đại diện các chủ nợ quốc tế gặp nhau tại Athens để thảo luận gói cứu trợ thứ ba trị giá 94 tỷ EUR.

Rò rỉ kế hoạch B

Ngoài bộ ba chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Quỹ bình ổn châu Âu (ESM) cũng tham gia trong vòng đàm phán mới. Hy Lạp và các chủ nợ đang chịu áp lực rất lớn nhằm đạt được thỏa thuận trước ngày 20-8 tới, thời điểm Athens phải trả khoản nợ 3,2 tỷ EUR cho ECB.

Trước đó, Hy Lạp và nhóm bộ ba chủ nợ đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới nhằm cứu Athens thoát khỏi nguy cơ phá sản và rời khỏi Khu vực đồng EUR (eurozone). Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo rằng việc hoàn tất thỏa thuận trên hoàn toàn không dễ dàng, bởi trước đây định chế tài chính này từng giúp Athens hai gói cứu trợ chung với EU từ năm 2010, song cho đến nay, Hy Lạp vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần. Sau thỏa thuận trên, Quốc hội Hy Lạp cũng đã thông qua dự luật thứ hai về những biện pháp cải cách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để mở đường cho việc giải ngân gói cứu trợ thứ ba.

Người dân tại Athens theo dõi thông tin trên báo chí.

Trước thềm diễn ra chương trình đàm phán mới của các chủ nợ và Hy Lạp, một bản báo cáo về tình trạng “nổi loạn” của các nghị sĩ thuộc đảng cánh tả cầm quyền Syriza gây sóng gió trên chính trường nước này. Theo bản báo cáo do phe đối lập công bố, các cựu quan chức như Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã lên kế hoạch B tấn công vào ngân hàng dự trữ Hy Lạp và truy cập vào các tài khoản thuế của nước này nhằm chuẩn bị cho sự trở lại của đồng tiền drachma. Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh nội bộ đảng Syriza bị chia rẽ sau cuộc bỏ phiếu nhằm thông qua gói cứu trợ mới của Hy Lạp. Phía phe đối lập đang yêu cầu hai cựu quan chức phải có lời giải thích trước kế hoạch trên. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp đã bác bỏ thông tin cho rằng Athens từng thảo luận kế hoạch rời khỏi eurozone.

Gặp khó với thuế cao

Bộ trưởng Hy Lạp ra sắc lệnh thiết lập một hệ thống luật lệ chuẩn bị cho mở cửa thị trường chứng khoán Hy Lạp (bao gồm cả thị trường thứ cấp) vào ngày 28-7. Việc tái mở cửa thị trường chứng khoán sẽ cho phép các nhà đầu tư quốc tế giao dịch cổ phiếu tại các công ty niêm yết trên thị trường.

Việc tái khởi động thị trường chứng khoán và ngân hàng tại Hy Lạp là những kế hoạch nhằm ổn định lại nền kinh tế nước này. Nhưng những tín hiệu mới từ thị trường chứng khoán lẫn ngân hàng vẫn không làm cho người dân Hy Lạp cảm thấy yên lòng hơn về kinh tế trong nước. Theo kế hoạch khắc khổ mới của chính phủ, các tầng lớp trung lưu và bình dân đối mặt với việc các mặt hàng như nước uống, năng lượng, các mặt hàng thực phẩm chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống bị  áp mức thuế VAT 13%. Mức thuế tối đa 23% áp dụng cho các dịch vụ phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng và các dịch vụ khác.

Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng sẽ từng bước loại bỏ những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng đối với các đảo ở nước này. Trong khi đó, riêng các mặt hàng như dược phẩm, sách, vé nhà hát thì mức thuế này lại giảm từ 6,5% hiện nay xuống còn 6%. Đợt tăng thuế VAT đã gây ra những lo ngại cho các doanh nghiệp về nguy cơ mất khách, giảm doanh thu ở một quốc gia có tới 1/4 lực lượng lao động không có việc làm và nền kinh tế bị kiệt quệ sau nhiều năm khắc khổ. Giorgos Kavvathas, người đứng đầu Hiệp hội Kinh doanh nhỏ Hy Lạp, cho biết việc tăng thuế sẽ khiến mỗi hộ gia đình ở Hy Lạp tốn thêm 60 EUR/tháng.

THANH HẰNG (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục