IS nhận đã đánh bom xe buýt chở đội cận vệ Tổng thống Tunisia

IS nhận đã đánh bom xe buýt chở đội cận vệ Tổng thống Tunisia

Nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm cuộc tấn công nghiêm trọng mới nhất ở quốc gia Bắc Phi từng được xem là 1 thành công hiếm hoi của phong trào Mùa xuân Ả Rập.

Trong tuyên bố ngày 25-11, IS nói 1 chiến binh đánh bom tự sát đã cho nổ tung áo khoác bom trên xe buýt, kèm 1 bức ảnh kẻ đánh bom tự sát.

Cảnh sát Tunisia ngày 25-11 tiếp tục điều tra hiện trường vụ đánh bom xe buýt chở đội cận vệ Tổng thống tại thủ đô Tunis. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Nội vụ Tunisia, vụ nổ xảy ra ngày 24-11, khi chiếc xe buýt đang đậu gần một con đường lớn ở thủ đô Tunis, điểm lên và xuống xe của đội cận vệ Tổng thống Tunisia. 12 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom, kẻ đánh bom tự sát cũng chết tại chỗ. Nhà chức trách đang điều tra vụ này là 1 cuộc tấn công khủng bố.

Tunisia, nơi khởi phát phong trào Mùa xuân Ả Rập, từng được xem là một thành công hiếm hoi của phong trào nổi dậy trong khu vực chỉ dẫn đến kết quả ảm đạm tại Syria, Libya, Ai Cập... Hồi tháng 10, Ủy ban Giải Nobel quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2015 cho Bộ Tứ Tunisia vì đã góp phần quyết định vào việc xây dựng một nền dân chủ trong nước sau Cách mạng Hoa nhài 2011.

Tuy nhiên, năm nay tình trạng bạo lực Hồi giáo tăng vọt đa gây nhiều quan ngại cho tương lai của quốc gia 11 triệu người này.

Cuộc tấn công Bảo tàng Bardo ở Tunis vào tháng 3 làm thiệt mạng 22 người, hầu hết là du khách. Một tay súng thánh chiến cuồng sát tại 1 khách sạn ven biển 1 khu nghỉ mát ở Sousse vào tháng 6 làm thiệt mạng 38 người, hầu hết là người Anh.  IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm cả 2 vụ này.

Các cuộc tấn công tác động mạnh ngành công nghiệp du lịch Tunisia đang chật vật phục hồi sau những biến động của Mùa xuân Ả Rập. Công ăn việc làm của nhiều người Tunisia dựa vào du lịch, ngành đem lại khoảng 15% GDP, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Sau vụ Sousse, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã cảnh báo rằng 1 cuộc thảm sát như vậy nữa sẽ "làm đất nước sụp đổ".

Báo cáo năm nay của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Sự cực đoan và Bạo lực chính trị (ICSRPV) cho biết, Tunisia đã đóng góp chiến binh nước ngoài nhiều nhất cho các nhóm cực đoan như IS tại Syria và Iraq. ICSRPV ước tính có từ 1.500 đến 3.000 người Tunisia đang tiến hành thánh chiến ở Syria và Iraq; thứ 2 là Saudi Arabia với 1.500 đến 2.500 người. Pháp là nước phương Tây đóng góp chiến binh nước ngoài nhiều nhất cho các nhóm cực đoan với khoảng 1.200 người.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục