Kiron tiếp sức người tị nạn

HẠNH CHI
Kiron tiếp sức người tị nạn

Kế hoạch trở thành bác sĩ của Christina Al Bdewi bị tạm dừng hồi tháng 5 vừa qua khi cô chạy trốn chiến tranh tại quê nhà ở thủ đô Damascus của Syria. Al Bdewi vừa học xong học kỳ đầu tiên của Đại học Y Khoa, nhưng giờ đây không biết có thực hiện được ước mơ của mình hay không khi mà cô đang phải chờ đợi đơn xin tị nạn được chấp thuận tại một thị trấn nhỏ của Đức.

Đối với các sinh viên như Al Bdewi, Trường Đại học trực tuyến quốc tế Kiron - được một nhóm sinh viên tình nguyện Đức sáng lập hồi năm ngoái - có thể giúp họ hoàn thành ước mơ bởi Kiron hứa hẹn sẽ cấp cho người tị nạn những bằng cấp được quốc tế công nhận nhưng không phải tốn một đồng học phí nào. Đồng sáng lập Kiron, Odai Al Hashmi, một sinh viên tị nạn người Syria đã chạy trốn chiến tranh sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013 và hiện đang sống ở Đức cho biết thiếu giấy chứng nhận học vấn hợp pháp và ngôn ngữ đã trở thành rào cản lớn cho người tị nạn quay trở lại giảng đường… Để được vào học ở Kiron, các thí sinh chỉ trình bày duy nhất một giấy tờ xác nhận tình trạng tị nạn hoặc đang xin tị nạn. Kiron đã thiết kế một chương trình 3 năm và hợp tác với các trường đại học hàng đầu như Harvard, Stanford và Yale của Mỹ, những trường đã được công nhận cung cấp các khóa học đại học trực tuyến toàn cầu.

Trang web của Trường Đại học trực tuyến quốc tế Kiron

Trong năm đầu, các sinh viên có thể học trực tuyến những lớp học ngôn ngữ như tiếng Đức, tiếng Anh và các lớp học dự bị. Trong năm thứ hai, họ có thể chọn học theo các ngành kinh doanh, kỹ thuật, kiến trúc, khoa học máy tính và các ngành nghiên cứu liên văn hóa… Các khóa học này hiện tại được cung cấp bằng ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng Kiron hy vọng sẽ tạo điều kiện giảng dạy bằng tiếng Arab và tiếng Pháp trong thời gian tới. Trong năm thứ ba, các sinh viên sẽ được chuyển đến một trong những trường đại học đối tác nào của Kiron công nhận các tín chỉ của họ và cho họ cơ hội để hoàn thành chương trình học tại trường. Hiện Kiron tràn ngập với chồng đơn xin vào học, phần lớn từ Syria, với khoảng 15.000 người đang chờ được nhận vào. Hơn 20 trường đại học, bao gồm một số trường bên ngoài nước Đức, đã cam kết nhận sinh viên của Kiron.  Thay vì tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ chính phủ, họ tự vận động các tổ chức phi lợi nhuận và đã quyên góp được 1,2 triệu EUR để trang trải chi phí học tập cho 1.000 sinh viên, chủ yếu trang thiết bị truy cập internet.

Al Bdewi mong muốn cô có thể được vào học ngôn ngữ ở Kiron cho dù trường này không có khoa Y. Theo cô, “ít nhất ra thì tôi cũng có hy vọng được đi học trở lại”.

Ngày 8-10, Chính phủ Áo thông báo sẽ cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng để giúp trẻ em nước ngoài nhập cư học tiếng Đức dễ dàng hơn để các em có thể sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Ứng dụng có tên là “hallo App Deutsch” chứa khoảng 1.000 từ thông dụng hàng ngày kèm theo hình ảnh và âm thanh minh họa giúp trẻ em có thể học tiếng Đức dễ dàng dù không đọc được chữ cái Latinh. Một phiên bản dành cho người lớn cũng đang được xây dựng. Đây thật sự là một tin vui cho người tị nạn ở Đức..


HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục