Nga - Ukraine nối lại đàm phán năng lượng

Trả lời họp báo sáng 27-8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về việc nối lại các cuộc đàm phán về năng lượng giữa hai nước. Tuy nhiên, lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn cần một cuộc đối thoại rộng lớn hơn.
Nga - Ukraine nối lại đàm phán năng lượng

Trả lời họp báo sáng 27-8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về việc nối lại các cuộc đàm phán về năng lượng giữa hai nước. Tuy nhiên, lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn cần một cuộc đối thoại rộng lớn hơn.

Bế tắc về thỏa thuận ngừng bắn

Trước khi cuộc gặp song phương diễn ra, giới quan sát cho rằng có rất ít hy vọng hai bên sẽ đạt được đột phá trong cuộc gặp này khi mà cuộc gặp cấp cao 4 bên trước đó đã diễn ra hết sức khó khăn trong suốt 6 giờ mà không ghi nhận được một bước tiến cụ thể nào cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Tổng thống Putin đã không đề cập tới các điều khoản quan trọng về thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Nam Ukraine. Ông nhấn mạnh, nhóm tiếp xúc về Ukraine cần hoạt động trở lại sớm nhất có thể, song khẳng định việc tìm ra điều kiện cho một lệnh ngừng bắn với lực lượng ly khai là trách nhiệm của Kiev.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine cần một cuộc đối thoại rộng lớn với sự tham gia của tất cả các khu vực và lực lượng chính trị ở nước này. Ông Lavrov khẳng định quan điểm của Mỹ và EU đang cản trở một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo EU không phản đối việc quay lại thỏa thuận Geneva đạt được từ tháng 4 vừa qua về bình ổn tình hình Ukraine.

Vũ khí khí đốt

Theo tiết lộ của ông Gunter Oettinger - Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) - EU đang phác thảo các kịch bản khủng hoảng trong trường hợp Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho khối này. Trả lời phỏng vấn báo Đức Bild ngày 26-8, ông không tin Tổng thống Putin sẽ biến việc cung cấp khí đốt thành công cụ chính sách của mình, mặc dù có 6 nước thành viên EU phụ thuộc 100% vào nguồn cung khí đốt Nga, 4 trong số đó nhận khí đốt trực tiếp từ Nga, không qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, một khi việc ngừng chuyển tải khí đốt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, như khi bị tấn công, khi đó Bulgaria và Slovakia sẽ hoàn toàn bị cắt nguồn cung khí đốt. Trong trường hợp này, EU cần cung cấp khí đốt ngược cho các nước đó. Nếu cần thiết, EU sẽ đảm nhận cả việc đảm bảo khí đốt cho Ukraine. Các cơ sở dự trữ khí đốt của Ukraine hiện mới tích được một nửa trong khi cần phải tích đầy cho mùa Đông.

Thủ tướng Đức A.Merkel (trái) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Trả giá quá đắt

Trước đó, ngày 26-8, tờ Le Monde của Pháp đã có bài bình luận mang tựa đề “Ukraine: Chi phí của cuộc chiến”, trong đó nhận định rằng dù có lôi kéo được Kiev về phía mình, EU cũng sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Theo bài báo trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bước đi khôn khéo khi tuyên bố tài trợ 650 triệu USD để giúp Ukraine tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy tại vùng Donbass để tranh giành ảnh hưởng với Nga. Nhưng cuộc chiến tại miền Đông đã làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Trong khi đó, nền kinh tế của Ukraine đang đứng bên bờ vực sụp đổ sau hơn 2 năm suy thoái liên tiếp. Phiên giao dịch ngày 26-8, đồng Hryvnia của Ukraine xuống mức thấp nhất từ trước đến nay với 13,65 Hryvnia đổi được 1 USD, giảm khoảng 40% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, Le Monde nhận xét tại cuộc gặp tại Minsk, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, dù được EU “chống lưng” nhưng vẫn trên thế yếu. Hy vọng chấm dứt chiến tranh rất mong manh. Le Monde kết luận: dù hiện nay Nga đã mất Ukraine, nhưng nếu EU có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt.

Ngày 27-8, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố không loại trừ khả năng tiếp nhận đoàn xe viện trợ nhân đạo thứ hai của Nga dành cho người dân khu vực miền Đông nước này nếu đoàn xe viện trợ của Nga đi qua một cửa khẩu trước khi được phép tiến vào lãnh thổ Ukraine và ICRC giám sát, phân phối hàng viện trợ.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục