Giá dầu tăng, kinh tế thế giới có hồi phục?

Nhu cầu tăng
Giá dầu tăng, kinh tế thế giới có hồi phục?

Giá dầu thô thế giới ngày 13-2 tăng lên mức trên 100 USD/thùng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng cải thiện của nền kinh tế thế giới.

Tàu chở dầu nhập cảng Trung Quốc.

Tàu chở dầu nhập cảng Trung Quốc.

Nhu cầu tăng

Dầu thô nhẹ, ngọt tại thị trường New York giao tháng 3 tăng 43 cent lên mức 100,37 USD/thùng. Dầu thô Brent giao cùng kỳ cũng tăng 11 cent lên 108,79 USD/thùng. Tính từ đầu tháng 1-2014 tới nay, giá dầu thô tại Mỹ tăng hơn 9%. Theo AFP dẫn nguồn từ OPEC cho biết, giá dầu tăng do nhu cầu tăng mạnh. Nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2013 tăng 30.000 thùng/ngày, lên 1 triệu thùng/ngày chủ yếu là dựa trên nhu cầu tăng ở Mỹ và Trung Quốc.

Trong năm 2014, theo OPEC, nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng lên khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, tăng 50.000 thùng/ngày so với những tháng cuối năm 2013.

Dầu thô tồn kho của Mỹ tăng thêm 3,3 triệu thùng lên 361,4 triệu thùng vào tuần trước. Do Mỹ đang trải qua đợt bão tuyết trầm trọng nên nhu cầu sưởi ấm tăng. Cùng lúc đó, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen, cho biết hôm 12-2 rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục kế hoạch cắt giảm kích thích kinh tế.

Trung Quốc tăng cường tích trữ dầu và vàng?

Tại Trung Quốc, cùng với các nguồn tài nguyên công nghiệp khác như quặng sắt, quặng đồng, tháng 1-2014, sản lượng dầu nhập khẩu của nước này tăng lên mức kỷ lục. Điều đó cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển. Cụ thể, trong tháng 1-2014, Trung Quốc nhập khẩu 6,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 12% so với tháng 1-2013 và tăng 5% so với tháng12-2013. Tết Nguyên đán cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng dầu tiêu thụ khi nước này vào mùa vận chuyển lớn nhất thế giới trong năm.

Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, cũng có khả năng Trung Quốc tăng tích trữ dầu thô. Báo này dẫn lời bà Li Li, giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn năng lượng ICIS C1 cho rằng: “Không dễ để các nhà máy lọc dầu xử lý một lượng dầu đột ngột lớn như vậy, nhiều khả năng rằng dầu thô đã đi thẳng từ tàu vào kho”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ các nguồn cung cấp dầu lớn nhất truyền thống như Saudi Arabia, Kuwait, Nga và Venezuela trong năm 2013 đều giảm, trong khi đó, nguồn cung cấp từ Iraq và Tây Phi tăng lên. Năm 2013, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Iraq tăng khoảng 50%, từ Cộng hòa Congo tăng 32%. Đa dạng nguồn dầu cung cấp dầu là mục tiêu đã có từ lâu của Trung Quốc nhằm đề phòng tình hình bất ổn ở Trung Đông hay Nam Sudan. Tại Nam Sudan, tháng 1-2014, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã buộc phải sơ tán công nhân do nội chiến.

Ngoài ra, do các nước như Nhật Bản và Mỹ chuyển hướng sang sử dụng khí đốt nên Trung Quốc hưởng lợi về nguồn dầu. Ước tính nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào dầu từ mức 54% năm 2010 lên 61% vào năm 2015. Cũng theo Wall Street Journal, với lượng dầu nhập nhiều như vậy khi chưa dùng hết, Trung Quốc cho phép các công ty nước này bán các sản phẩm dầu đã qua tinh lọc sang Đông Nam Á dẫn đến doanh số bán xăng và dầu diesel từ Trung Quốc sang các nước láng giềng ở Đông Nam Á tăng mạnh.

Với vàng, sau khi giá giảm gần 30% vào năm ngoái, điều chưa từng thấy kể từ năm 1981, giá một lượng (once) vàng đã tăng 7% từ đầu năm 2014 tới nay, một xu hướng được Trung Quốc nuôi dưỡng bằng hành động thu mua vàng đều đặn. Theo số liệu Hiệp hội vàng Trung Quốc, vào năm 2013, nước này đã thu mua 1.176 tấn vàng, tăng 41% so với năm 2012. Theo báo Le Figaro, khả năng Ngân hàng Trung Quốc đang muốn tạo ra kho dự trữ vàng to lớn để thực hiện giấc mơ đưa đồng nhân dân tệ và vàng lên thành những “chủ nhân” mới của hệ thống tiền tệ quốc tế.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục