Hội nghị hòa bình Syria - Nhiều kỳ vọng, ít thành công

Không có tiến triển
Hội nghị hòa bình Syria - Nhiều kỳ vọng, ít thành công

Ngày 24-1, phe đối lập Syria đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn không khiến dư luận kỳ vọng về khả năng thành công của Hội nghị Geneva 2 (Hội nghị hòa bình Syria) diễn ra tại Thụy Sĩ.

Hình ảnh Hội nghị Geneva 2 diễn ra tại Thụy Sĩ.

Hình ảnh Hội nghị Geneva 2 diễn ra tại Thụy Sĩ.

Không có tiến triển

Haitham Al-Maleh, một quan chức cao cấp trong liên minh phe đối lập tại Syria cho rằng việc ngồi cùng một bàn đàm phán với ông Assad sẽ không giải quyết được những khủng hoảng chính trị hiện nay. Khúc mắc chính giữa phe đối lập và Tổng thống Assad hiện nay được cho là xuất phát từ nguyên nhân ông Assad không từ chức. Bên cạnh đó, ông Assad cũng từng tuyên bố có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới và mong muốn tiếp tục cuộc chiến chống lại “những kẻ khủng bố” - ám chỉ lực lượng đang chiến đấu chống lại ông.

Phát biểu của phe đối lập đã dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực muốn giải quyết khủng hoảng Syria thông qua con đường đàm phán và hòa bình, tiêu chí mà LHQ và Nga đang hướng tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem tuyên bố nếu như không có phiên làm việc nghiêm túc nào được tổ chức trong ngày 25-1, phái đoàn Chính phủ Syria sẽ rời khỏi Hội nghị Geneva 2. Các nhà phân tích cho rằng, nếu cả 2 phe cũng không đồng ý đàm phán, hy vọng mong manh về cơ hội thành công của Hội nghị Geneva rất khó thành hiện thực. Trước khi diễn ra hội nghị, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của nó, đặc biệt là khi lực lượng đối lập chỉ chịu ngồi vào bàn đàm phán dưới sức ép của Mỹ và phương Tây.

Thêm vào đó, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên liên quan có thể tìm được tiếng nói chung trong vòng đàm phán lần này. Ngay trước thềm Geneva 2, việc Iran bất ngờ bị rút lại lời mời tham dự hội nghị, một lần nữa cho thấy những bất đồng vẫn còn tồn tại giữa các bên liên quan. Ngay đêm trước của Geneva 2, hàng ngàn bức ảnh tố cáo việc Chính phủ Syria ngược đãi và tra tấn tù nhân đã được phe nổi dậy phát tán nhằm gây sức ép buộc ông Assad phải từ chức và đối mặt với một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Động thái này được đánh giá là nhằm tạo lợi thế cho phe nổi dậy trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, sẽ không có bên nào ở Syria có thể hoàn toàn giành chiến thắng tại Hội nghị Geneva 2.

Syria đặt “ranh giới đỏ”

Bất chấp sức ép từ phe đối lập, phương Tây và các nước Ảrập muốn tạo ra một quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, Ngoại trưởng Syria al-Moallem khẳng định các chủ đề liên quan đến địa vị và tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad là “ranh giới đỏ” và không được bàn tới tại Hội nghị Geneva 2. Đại diện thường trực của Syria tại Liên hiệp quốc Bashar Jaafari khẳng định, ông lấy làm thất vọng về thành phần tham dự phiên họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Geneva 2. Ông cho rằng: “Đa phần các đại diện đến từ 40 nước tham dự phiên họp này đều là các nước chống lại Syria. Họ đã đưa ra những lời phát biểu mang tính gây hấn và trùng lặp, dựa trên lòng thù hận chính phủ Syria”.

Sau khi phiên họp đầu tiên kết thúc, dư luận cho rằng mọi hy vọng hiện chỉ dồn về việc thảo luận một số biện pháp cứu trợ cho thường dân Syria, cải thiện các nguồn viện trợ và thiết lập cơ chế trao đổi tù binh.

Ngày 24-1, nhóm Quân đội điện tử Syria (SEA) thừa nhận đột nhập thông tin một số tài khoản truyền thông xã hội của kênh truyền hình CNN (Mỹ). Trên trang mạng xã hội Twitter của mình, SEA nêu rõ: “SEA quyết định trả đũa việc CNN đưa tin dối trá đầy ác ý nhằm kéo dài sự đau khổ ở Syria”. Trước đó SEA, nhóm ủng hộ Chính phủ Syria, cũng đã tấn công các tài khoản của Skype, The New York Times, AFP và các cơ quan truyền thông khác.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục