Công ty dược, sữa vào “tầm ngắm”

Theo thông báo của Bộ Công an Trung Quốc, một số giám đốc điều hành của Tập đoàn dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh thú nhận đã hối lộ nhiều quan chức chính phủ và trốn thuế. Mặc dù thông báo chưa cho biết có bao nhiêu giám đốc của GSK bị điều tra, nhưng báo chí Trung Quốc ngày 12-7 nhận định, đây được coi là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất liên quan công ty nước ngoài trong 3 năm qua ở Trung Quốc.

Ngoài GSK, Merch & Co, một số công ty dược nước ngoài cũng đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ gian lận chi phí và giá cả.

Không chỉ riêng các công ty dược, mà các hãng sữa nước ngoài cũng đang trong “tầm ngắm” của chính phủ Trung Quốc. Đầu tháng này, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết đã thu thập được bằng chứng cho thấy các công ty này đã thông đồng với nhau để bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc với giá cao hơn các thị trường khác và giá sữa của các công ty này đã tăng đến 30% kể từ năm 2008, sau khi xảy ra vụ bê bối sữa “bẩn” làm chết 6 trẻ em và ảnh hưởng đến hơn 300.000 trẻ khác.

Tuần trước, một tuần khi hay tin chính phủ Trung Quốc sắp tiến hành điều tra về việc thao túng giá và chống cạnh tranh, nhiều hãng sữa nước ngoài tại Trung Quốc đồng loạt tuyên bố giảm giá. Mead Johnson, nhà sản xuất nhãn hiệu sữa trẻ em Enfamil, thông báo sẽ giảm giá 7% đến 15% từ ngày 16-7 tới. Danone, Abbott Laboratories (ABT), Nestle tuyên bố sẽ giảm giá bán sữa lần lượt là 20%, 12% và 11%… Thậm chí, Nestle còn cam kết sẽ không tăng giá trong vòng một năm các loại sữa mới. Việc giảm giá được xem là một nỗ lực để giảm nhẹ mức tiền phạt nếu các nhà điều tra Trung Quốc phát hiện các hành vi sai trái của các hãng sữa này và xoa dịu sự tức giận của người tiêu dùng.

Cơn khát hàng ngoại của người Trung Quốc bùng nổ sau “sự cố melamine” năm 2008. Theo khảo sát của Mintel Group, năm ngoái doanh số bán sữa công thức tại Trung Quốc đã tăng 29%, lên 15,4 tỷ USD. Tâm lý chuộng sữa ngoại của người tiêu dùng đã giúp các hãng sữa ngoại như Danone, Nestle và Mead Johnson đánh bạt các đối thủ nội địa như Mengiu, Yili… để chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc.

Không chỉ có Trung Quốc, các thị trường mới nổi khác đã và đang là đích nhắm đối với các công ty dược và sữa quốc tế vì có thể giúp họ bù đắp cho doanh số ngày càng giảm ở thị trường phương Tây. Doanh số hàng năm của riêng mặt hàng sữa cho trẻ em đạt tới 25 tỷ USD, trong đó châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 37% và là thị trường lớn nhất. Song, để chen chân vào các thị trường béo bở này, nhiều tập đoàn nước ngoài kinh doanh các sản phẩm phục vụ sức khỏe con người đã không từ nhiều thủ đoạn. Nếu như các công ty dược hối lộ quan chức chính phủ, các tổ chức y tế, bệnh viện và bác sĩ nhằm tăng doanh số và giá bán, thì các hãng sữa đa quốc gia còn sử dụng các mối quan hệ để mua chuộc nhân viên y tế, thao túng thông tin, “thần thánh hóa” các sản phẩm của họ để lôi kéo người tiêu dùng. Theo bà Yeong Joo Kean (Mạng lưới hành động vì dinh dưỡng trẻ nhỏ - IBFAN), các hãng sữa đang len lỏi khắp nơi, biến các cơ quan y tế nhà nước thành đối tác trong việc quảng bá dinh dưỡng và sức khỏe trẻ sơ sinh.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục