Thêm “ông lớn” bị tố tiếp tay tình báo Mỹ

Thêm “ông lớn” bị tố tiếp tay tình báo Mỹ

Việc thu thập thông tin cá nhân trái phép của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tố giác tiếp tục làm nóng dư luận khi hàng loạt tập đoàn của Mỹ bị cáo buộc tiếp tay với NSA, trong đó có cả Microsoft.

        Đến lượt Microsoft

Theo tài liệu mật của báo Guardian, Microsoft đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tình báo Mỹ cho phép chặn các thông tin liên lạc của người sử dụng, bao gồm cả việc giúp đỡ NSA phá vỡ mã hóa riêng của công ty. Những cáo giác từ Edward Snowden trước đó cho thấy quy mô hợp tác giữa thung lũng Silicon và các cơ quan tình báo Mỹ trong vòng 3 năm qua, trong đó có chương trình theo dõi mang tên Prism, đã được các báo Guardian và Washington Post tiết lộ hồi tháng trước liên quan đến các tập đoàn Apple, Google, Facebook và Yahoo.

Cụ thể, Microsoft giúp NSA phá vỡ mã hóa của chính mình để tiếp cận các cuộc trò chuyện (chat) trên trang web Outlook.com. NSA từ đó có cả mã hóa để truy cập email trên Outlook.com, bao gồm cả Hotmail. Microsoft đã làm việc với FBI trong năm nay để cho phép NSA dễ dàng truy cập thông qua chương trình Prism với dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive, hiện có hơn 250 triệu người sử dụng trên toàn thế giới. Microsoft cũng đã làm việc với đơn vị dữ liệu của FBI để giúp FBI hiểu tính năng trong Outlook.com cho phép người dùng tạo ra các bí danh trong email.

Skype được cho là một công cụ để NSA thu thập dữ liệu cá nhân.

Skype được cho là một công cụ để NSA thu thập dữ liệu cá nhân.

Vào tháng 7-2012, sau khi Microsoft mua lại Skype, NSA tự hào rằng họ có khả năng thu thập các cuộc gọi Skype video tăng gấp 3 lần. Những dữ liệu thu thập thông qua chương trình Prism được NSA thường xuyên chia sẻ với FBI và CIA với chương trình mang tên “đội thể thao”. Những tiết lộ mới nhất của NSA tiếp tục phơi bày sự căng thẳng giữa thung lũng Silicon và chính quyền Obama.

        Xâm phạm quyền riêng tư

Theo nhật báo The Seattle Times, không chỉ có những đại gia như Microsoft, Apple, Google hay Yahoo, vô số các tập đoàn khác, thậm chí cả những tập đoàn bán lẻ cũng tự ý thu thập thông tin cá nhân của khách hàng. Nordstrom cho biết họ đang theo dõi khách hàng tại 17 cửa hàng của mình ở Mỹ. Nhà bán lẻ trụ sở tại Seattle này đã thuê một công ty đăng nhập một số duy nhất phát ra từ điện thoại thông minh từ cửa hàng chủ, tự động kết nối với hệ thống Wi-Fi khi khách hàng di chuyển qua các cửa hàng khác trong hệ thống. Sau khi một đài truyền hình ở Dallas khám phá ra vụ này hồi tháng 5, Nordstrom công bố ngưng chương trình. Ở Palo Alto, California, Công ty Euclid Analytics đã theo dõi 50 triệu thiết bị tại 4.000 địa điểm với 100 doanh nghiệp và các khách hàng. Khách hàng tuy được tự do chọn không tham gia nhưng quá trình này rất phức tạp.

Những công ty với chức năng môi giới cho các tập đoàn như Google, Amazon hay Facebook là Datalogix và Acxiom cũng góp phần vào việc tiết lộ thông tin khách hàng. Rất ít người tiêu dùng hiểu được những dữ liệu cá nhân của họ được chia sẻ với ai, hoặc đang được sử dụng để làm gì. Người Mỹ lo ngại về hàng ngàn công ty thu thập thông tin về khách hàng, các công ty này tập hợp khá nhiều dữ liệu và không ai giải thích các dữ liệu đó được sử dụng ra sao. Việc thu thập và phân tích thông tin của người tiêu dùng với số lượng lớn xuất phát từ cuộc cách mạng mang tên “Big Data” (dữ liệu lớn). Đó là sự kết hợp của số hóa, lưu trữ giá rẻ, khả năng tính toán mạnh mẽ và phân tích phức tạp cho phép các chuyên gia tìm mối tương quan ngày càng lớn giữa các dữ liệu. Nó thực sự có giúp cải thiện kết quả làm việc ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, các dịch vụ của chính phủ và giảm tội phạm. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực vừa kể thì một cựu quan chức tình báo Mỹ (giấu tên) hiện đang làm việc cho một công ty dữ liệu cho biết, không biết có bao nhiêu dữ liệu của khách hàng được các tập đoàn Mỹ thu thập trong 10 năm qua.

Theo nguồn tin thân cận với WikiLeaks đăng trên mạng xã hội Twitter vào ngày 12-7, Edward Snowden đang tìm cách xin tị nạn tạm thời tại Nga trong thời gian chờ đến Mỹ Latinh. Nguồn tin này cho biết Snowden đã gặp các nhà hoạt động nhân quyền tại sân bay Sheremetyevo với mục đích bày tỏ anh là nạn nhân chính trị. Theo Nghị sĩ Nga Vyacheslav Nikonov, Snowden hứa sẽ thực hiện những điều kiện mà Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra để được ở lại Nga, trong đó ngừng các hoạt động chống Mỹ. Cục Di trú Liên bang Nga cho biết họ chưa nhận được đơn xin tị nạn từ Snowden.

THỤY VŨ tổng hợp

>> Snowden được cấp Hộ chiếu công dân toàn cầu

Tin cùng chuyên mục