Ai Cập mờ mịt triển vọng hòa giải dân tộc

Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ đã vấp phải rào cản đầu tiên với việc phe Hồi giáo phản đối kịch liệt khi có thông tin cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei được lựa chọn làm Thủ tướng lâm thời của Ai Cập.
Ai Cập mờ mịt triển vọng hòa giải dân tộc

Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ đã vấp phải rào cản đầu tiên với việc phe Hồi giáo phản đối kịch liệt khi có thông tin cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei được lựa chọn làm Thủ tướng lâm thời của Ai Cập.

        Rạn nứt

Trong khi trên đường phố Ai Cập những cuộc đụng độ nhau giữa người ủng hộ và phản đối tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi vẫn đang tiếp tục thì trong nghị trường, việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt của chính phủ lâm thời cũng gây bất đồng sâu sắc giữa các phe phái. Theo hãng tin Reuters ngày 7-7, văn phòng tổng thống Ai Cập đưa ra những thông điệp mâu thuẫn nhau về việc ủng hộ nhà cải cách Mohamed ElBaradei làm thủ tướng lâm thời, lúc thì tuyên bố ủng hộ, lúc lại bảo đang được cân nhắc. Một chính trị gia thân cận với ông ElBaradei cho biết thay đổi này là do sự phản đối của đảng Al-Nour Hồi giáo bảo thủ cực đoan mà chính quyền muốn hợp tác. Trước đó, sở dĩ chính quyền muốn hợp tác với đảng Al-Nour vì họ đã chấp thuận kế hoạch chuyển giao quyền lực và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mà quân đội đã đề ra. Sau khi al-Nour bác bỏ quyết định của quân đội, chính quyền lâm thời của Tổng thống Adly Mansour đã phải hoãn lại việc công bố vị trí thủ tướng mới.

Xe tăng quân đội Ai Cập xuất hiện ở mọi con đường tại thủ đô Cairo.

Xe tăng quân đội Ai Cập xuất hiện ở mọi con đường tại thủ đô Cairo.

Các chuyên gia nhận định, ông Mansour là một nhân vật không mấy tiếng tăm trên trường quốc tế. Bởi vậy, việc lựa chọn ông ElBaradei làm thủ tướng có thể giúp chính quyền mới của ông Mansour có thêm uy tín và có ảnh hưởng trong các cuộc gặp với Mỹ và các đồng minh phương Tây liên quan đến vấn đề chính sách. Tranh cãi xung quanh việc bổ nhiệm ông ElBaradei tiếp tục phô bày những rạn nứt trên chính trường Ai Cập trong bối cảnh quốc gia này đang chìm trong bạo lực kể từ cuộc đảo chính quân sự mới nhất.

Trong khi đó, chính quyền lâm thời đang bắt đầu có các biện pháp để xóa bỏ dần tính hợp pháp của ông Morsi. Tổng thống lâm thời Mansour đã sa thải Giám đốc Tình báo và Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ dinh tổng thống dưới thời ông Morsi. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phản đối gay gắt những động thái của chính quyền mới, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành biểu tình và nổi dậy cho đến khi phục chức cho ông Morsi. Hãng Reuters cho rằng việc triển vọng hòa giải dân tộc mà Tổng thống lâm thời Mansour nhấn mạnh là ưu tiên hàng đầu đang hết sức mờ mịt khi các bên vẫn luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối đầu.

        Yếu tố kinh tế

Tờ Financial Times cho rằng trong bối cảnh chính quyền chuyển tiếp do ông Mansour lãnh đạo đang tìm cách để xây dựng quyền lực của mình, việc phục hồi nền kinh tế đang bị tê liệt sẽ vô cùng quan trọng nếu như họ muốn kiểm soát được những bất ổn chính trị châm ngòi cho cuộc nổi dậy mới nhất ở Ai Cập. Theo tờ báo của Anh, căn bệnh tài chính kinh niên của Ai Cập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ của Tổng thống Mohamed Morsi. Ông Ashraf Swelam, cố vấn kinh tế của cựu Ngoại trưởng Amr Moussa, nói: “Có một yếu tố kinh tế và xã hội lớn trong vấn đề này. Chính trị và kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra và sẽ tiếp tục như vậy. Đây là hai vấn đề không thể tách rời”.

Vấn đề kinh tế luôn là đề tài nhức nhối trong suốt thời gian ông Morsi ngồi ở ghế tổng thống, từ những ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Các số liệu kinh tế ảm đạm khi ông Morsi còn đương chức phần lớn là do tàn dư từ chế độ kéo dài 30 năm của ông Mubarak. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, các số liệu thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời điểm ông Mubarak bị lật đổ. Tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 13%, tỷ lệ lạm phát tăng lên hơn 8% trong khi thâm hụt ngân sách cũng ngày càng phình to, lên tới gần 13% GDP của nước này. Sự sụt giảm mạnh về nguồn vốn đầu tư, du lịch, xây dựng, dịch vụ và chế tạo đã ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng triệu người dân Ai Cập vốn đã phải sống trong nghèo đói. Nếu những chủ trương thâu tóm quyền lực về tay tổng thống gây phẫn nộ trong quân đội và các cơ quan tư pháp, thì kinh tế yếu kém chính là nguyên nhân khiến ông Morsi phải hứng chịu làn sóng phản đối từ người dân.

Đỗ Cao (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Biểu tượng “Mùa xuân Ảrập” tàn lụi

Tin cùng chuyên mục