Ai Cập bên bờ vực nội chiến

Sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, ngày 5-7, quân đội Ai Cập đã hối thúc đất nước hòa giải và tránh những cuộc tấn công trả đũa. Thế nhưng việc quân đội bắt giữ các thủ lĩnh đảng Anh em Hồi giáo đang dẫn đến bạo lực bùng phát giữa phe Hồi giáo và quân đội nước này.
Ai Cập bên bờ vực nội chiến

Sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, ngày 5-7, quân đội Ai Cập đã hối thúc đất nước hòa giải và tránh những cuộc tấn công trả đũa. Thế nhưng việc quân đội bắt giữ các thủ lĩnh đảng Anh em Hồi giáo đang dẫn đến bạo lực bùng phát giữa phe Hồi giáo và quân đội nước này.

        Anh em Hồi giáo phản công

Tình hình tại Ai Cập hiện hết sức căng thẳng với nhiều diễn biến khó lường. Mặt trận Cứu quốc (NSF) ở Ai Cập phản đối Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Morsi đã kêu gọi biểu tình quy mô lớn vào ngày 5-7 để bảo vệ “thành quả cách mạng” sau các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Morsi được tiến hành trước đó. Cùng ngày, Tướng Sami el-Metwali cho biết cửa khẩu biên giới nước này với Dải Gaza ở phía Bắc bán đảo Sinai đã bị đóng vô thời hạn vì những quan ngại về an ninh. Quân đội nước này cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại hai tỉnh Nam Sinai và Suez sau vụ các tay súng Hồi giáo tấn công sân bay quân sự El Arish thuộc tỉnh Suez vào rạng sáng cùng ngày. Báo trên dẫn lời một tư lệnh quân đội Ai Cập cho biết “tình trạng sẵn sàng” đã được nâng lên mức cao nhất tại hai tỉnh này trên sau vụ tấn công.

Quân đội Ai Cập trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Quân đội Ai Cập trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Vụ tấn công sân bay ở El Arish là diễn biến mới nhất trong hàng loạt sự cố an ninh tại khu vực hỗn loạn này, và diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ. Hiện chưa rõ đây có phải là các vụ tấn công phối hợp và để phản hồi lại việc ông Morsi bị phế truất hay không. Tổng công tố Ai Cập Abdel- Meguid Mahmoud cũng đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống bị phế truất Morsi và 35 thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo để điều tra về các cáo buộc sát hại người biểu tình.

        Vẫn tranh cãi có đảo chính hay không

Ngày 5-7, Hội đồng An ninh và Hòa bình (PSC) của Liên minh châu Phi (AU) đã đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập sau khi quân đội nước này lật đổ Tổng thống do dân bầu Morsi. PSC cho biết đã quyết định đình chỉ mọi sự tham dự của Ai Cập trong các hoạt động của AU cho đến khi trật tự hiến pháp tại quốc gia Bắc Phi được khôi phục. Cho đến nay, AU luôn đình chỉ tư cách thành viên của các quốc gia thành viên - nơi giới quân sự lật đổ chính phủ dân cử.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về việc quân đội can thiệp vào vấn đề có tính chất hiến pháp và dân sự, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng thiết lập chính quyền dân sự thông qua bầu cử tại Ai Cập, tiến hành đối thoại hòa bình có sự tham gia của tất cả các thành phần chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Việc loại bỏ một chính phủ dân cử bằng vũ lực, đảo chính quân sự, sẽ đẩy Ai Cập vào một thời kỳ bất ổn mới, với một sự đột biến về bạo lực sắc tộc, tôn giáo và phe phái. Bởi suy cho cùng, Ai Cập đã có một tổng thống dân cử theo qui định của hiến pháp và vị tổng thống này nay bị quân đội lật đổ. Chưa thể nói rằng tình hình Ai Cập sẽ diễn biến như thế nào trong những ngày tới, nhưng chắc chắn Ai Cập có một chính phủ dân bầu sớm ngày nào thì hệ lụy từ những biến động chính trị tại Ai Cập sẽ có thể giảm nhẹ được ngày đó. Một số nguồn tin khác cho biết Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly al-Mansour dự kiến công bố thời điểm tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày hôm nay, 6-7.

Trong lúc này, các nguồn tin địa phương cho biết thủ lĩnh Đảng el-Dostour Mohamed ElBaradei đã từ chối đề nghị đứng đầu chính phủ lâm thời của Ai Cập. Theo đó, vai trò thủ tướng lâm thời được trao cho cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Farouk al-Aqda, người đang sống ở Luân Đôn. Ông ElBaradei từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong suốt 10 năm. Ông ElBaradei nổi tiếng vì cản trở việc thanh sát các hoạt động hạt nhân Iran, cho rằng không có bằng chứng về qui mô quân sự và được xem là nhân vật có thiên hướng chống Mỹ. Dư luận cho rằng việc ông từ chối có khả năng là do ông biết trước với thiên hướng chống Mỹ ông cũng sẽ không trụ được lâu dài trên chính trường.

HẠNH CHI

- Thông tin liên quan:

>> Ai Cập tiếp tục căng thẳng

>> Quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống 

>> Quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống, đình chỉ hiến pháp

>> Tổng thống Ai Cập đang bị cô lập

Tin cùng chuyên mục