Chính trường Thái Lan xoay chuyển sang hướng mới

Chính trường Thái Lan xoay chuyển sang hướng mới

Ngày 3-12, người biểu tình Thái Lan tràn vào khu Văn phòng chính phủ và trụ sở cảnh sát mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Song, thủ lĩnh Suthep Thaugsuban vẫn tuyên bố sẽ biểu tình đến cùng.

        Cảnh sát đón người biểu tình

Sáng 3-12, hàng trăm người biểu tình Thái Lan đã vào khu văn phòng chính phủ ở thủ đô Bangkok mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Trong một thông điệp được phát trên truyền hình, ông Krisana Pattanacharoen, một quan chức cảnh sát, cho biết nhà chức trách đã dỡ bỏ các hàng rào an ninh và cho phép người biểu tình vào khu văn phòng chính phủ “nhằm giảm căng thẳng giữa người biểu tình và cảnh sát”.

Cảnh sát trưởng Bangkok Kamronvit Thoopkrachang còn tuyên bố là người biểu tình được phép vào và ở lại bên trong sở cảnh sát cho tới khi họ muốn rời đi. Ông Kamronvit đã ra lệnh cho cảnh sát không bắn hơi cay hay dùng vòi rồng phun nước vào người biểu tình vì “không muốn thấy người biểu tình thiệt mạng hay bị thương”.

Người biểu tình Thái Lan tràn vào khuôn viên Văn phòng chính phủ ở Bangkok.

Người biểu tình Thái Lan tràn vào khuôn viên Văn phòng chính phủ ở Bangkok.

Hãng tin Tân Hoa dẫn lời ông Kamronvit nói với các sĩ quan của mình rằng, cảnh sát là người bảo vệ dân chúng, trụ sở cảnh sát được xây bằng tiền của dân, nếu người biểu tình muốn chiếm lĩnh hoặc phá hủy thì cứ để họ làm, nhưng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Ông Kamronvit còn tiết lộ rằng Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, từng bỏ tiền túi để quyên góp 2 triệu baht xây dựng trụ sở cảnh sát, cũng tỏ ý không muốn thấy người dân Thái tranh giành lẫn nhau. “Chúng tôi sẽ dọn hàng rào, dẹp vật chướng ngại để đón người biểu tình và bảo vệ họ tránh khỏi bị thương bởi “bên thứ 3” vì cả cảnh sát lẫn người biểu tình đều không dùng súng mà vẫn có người bị thương bởi súng đạn”, ông Kamronvit cho biết.

Đến trưa cùng ngày, người biểu tình đã tràn vào khuôn viên văn phòng chính phủ, bầu không khí tại hiện trường được mô tả giống như “ngày hội”, dù một số cảnh sát và binh sĩ vẫn đứng gác tại lối vào chính của khu văn phòng chính phủ. Tuy nhiên, phát biểu trước những người ủng hộ thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan, ông Suthep Thaugsuban, tuyên bố ông sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bất chấp quyết định của chính phủ rằng sẽ không đối phó với người biểu tình.

        Quân đội lên tiếng, quốc tế lo ngại

Trưa ngày 3-12, Tư lệnh Không quân Thái Lan, tướng Prajin Jantong cho biết, sau khi tổ chức xong lễ sinh nhật của Quốc vương Bhumibol Adulyadej ngày 5-12, Tư lệnh tối cao sẽ triệu tập hội nghị toàn thể để nghiên cứu, giải quyết khủng hoảng chính trị. Đây là tuyên bố đầu tiên của giới tướng lĩnh Thái Lan đối với những diễn biến tại chính trường trong 10 ngày qua. Tướng Prajin Jantong còn kêu gọi tất cả người dân Thái Lan hãy tuân theo ý chỉ của Quốc vương. Tư lệnh Lục quân, tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố sẽ giữ khoảng cách và để giới chính trị giải quyết các mâu thuẫn của họ.

Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) tại thủ đô Lima của Peru vào ngày 2-12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Tôi quan ngại về tình hình leo thang bạo lực tại thủ đô Bangkok trong những ngày qua và bày tỏ lấy làm tiếc trước những thương vong về người. Một lần nữa, tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng chính trị thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình. Tất cả các phe phái cần tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ, trật tự luật pháp, nhân quyền, bao gồm quyền tự do bày tỏ chính kiến”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng quan ngại về những nỗ lực của người biểu tình muốn “chiếm trụ sở các cơ quan chính phủ và báo đài”.

VIỆT ANH (tổng hợp)

>> Thái Lan: Thủ tướng bác tối hậu thư của phe đối lập

Tin cùng chuyên mục