Khi mối đe dọa được thổi phồng

Cuối tuần qua, truyền thông châu Âu đồng loạt đưa thông tin về tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, tướng Sverker Goranson, liên quan đến những lo ngại do EU cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Cuối tuần qua, truyền thông châu Âu đồng loạt đưa thông tin về tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, tướng Sverker Goranson, liên quan đến những lo ngại do EU cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Theo ông Sverker Goranson, trong trường hợp có chiến sự, châu Âu không thể nào tồn tại được quá một tuần. Tờ Le Monde của Pháp còn dẫn số liệu chỉ ra hiện Mỹ tập trung đến 46% các khoản chi tiêu quân sự trên thế giới, Trung Quốc và Nga đầu tư hàng loạt cho quốc phòng. Trong năm 2012, Trung Quốc đã tăng mức đầu tư cho quốc phòng đến 11,2%, cao hơn cả mức tăng 9,2% GDP năm 2011, trong khi EU chi chưa đến 2% GDP cho quốc phòng do chính sách thắt lưng buộc bụng.

Từ đó, các bài phân tích kết luận rằng, việc EU mạnh tay cắt giảm ngân sách quốc phòng không chỉ dẫn đến những tác động nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quốc phòng. EU sẽ mất chân trong nỗ lực giành hợp đồng đấu thầu bán vũ khí cho các nước. Và họ gọi đây là mặt trái của việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Thật ra, chạy đua chi tiêu quốc phòng ở thời điểm hiện tại không phải là yêu cầu cấp bách như báo chí phương Tây đang đề cập, EU còn nhiều điều phải làm hơn là tham gia vào cuộc đua mà đích đến là làm giàu cho những tập đoàn sản xuất vũ khí.

Có lẽ những nhà sản xuất vũ khí châu Âu đang nóng lòng khi Mỹ mới đây công bố những hợp đồng bán vũ khí béo bở mà nước này giành được từ thị trường châu Á-Thái Bình Dương, trục an ninh chiến lược của Mỹ thời gian gần đây. Mỹ một mặt góp phần “đổ dầu vào lửa” đẩy những căng thẳng chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng như vấn đề tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên lên cao. Mặt khác, nhờ đó Mỹ trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy, là nơi các nước tìm đến để trấn an mình trước áp lực phải mạnh mẽ hơn về quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia. Bất ổn ở khu vực Trung Đông được nhắc đến dồn dập trong thời gian gần đây cũng là động lực để nguồn tiêu thụ vũ khí từ Mỹ, Nga, Trung Quốc… tăng mạnh.

Tại diễn đàn cấp cao về văn hóa hòa bình tại New York (Mỹ) tháng 9 năm ngoái, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã công bố số liệu thế giới chi 1.700 tỷ USD cho quân sự năm 2011. Đáng nói, mức phí thế giới dành cho vũ khí mỗi ngày còn nhiều gấp đôi số tiền LHQ chi tiêu cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, phát triển trong cả năm. Tại các diễn đàn quốc tế, ông Ban Ki-moon đã nhiều lần kêu gọi chính phủ các nước chuyển phần ngân sách quốc gia chi cho quốc phòng sang các khoản chi thiết thực cho người nghèo, bệnh tật, đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Bất ổn chính trị trong từng khu vực đang được những “đại gia” trong ngành vũ khí vận động các chính khách thổi bùng lên trên nhiều phương tiện truyền thông với mục đích cuối cùng là thu lợi nhuận. Trang bị quân sự để củng cố tiềm lực trong trường hợp phải đối phó với chiến tranh. Thế nhưng, chiến tranh đe dọa cuộc sống từ nhiều phía: bom đạn, nghèo đói và khủng hoảng xã hội. Nếu chú ý tăng cường chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, phúc lợi xã hội, giảm đói nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường đối thoại thì các cuộc xung đột không có cơ hội tồn tại. Lúc đó, thế giới đâu cần phải đầu tư nhiều cho những cỗ máy chiến tranh tàn phá thành quả của phát triển. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục