Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á - Thái Bình Dương: Thiết lập quan hệ đồng minh mới

Hôm nay 31-8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến thăm quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, mở đầu cho chuyến công du châu Á trước khi tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 8-9 tại cảng Vladivostok của Nga. Báo chí quốc tế cho rằng đây là chuyến đi thiết lập mối quan hệ đồng minh mới, tạo điều kiện tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á - Thái Bình Dương: Thiết lập quan hệ đồng minh mới

Hôm nay 31-8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến thăm quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, mở đầu cho chuyến công du châu Á trước khi tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 8-9 tại cảng Vladivostok của Nga. Báo chí quốc tế cho rằng đây là chuyến đi thiết lập mối quan hệ đồng minh mới, tạo điều kiện tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

  • Những điểm đến mới

Về chuyến thăm đến quần đảo Cook, tờ Los Angeles Times (Mỹ) nhận định quần đảo nhỏ bé với dân số chưa đến 11.000 người  với diện tích hơn 240km2 có lẽ còn là cái tên xa lạ với rất nhiều người. Tuy nhiên, trong cuộc đua tăng cường sự ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã nhìn thấy giá trị, tầm quan trọng địa chiến lược của tiền đồn xa xôi này. Theo kế hoạch, bà Clinton sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ tới  tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương tại Cook. Với sự kiện này, bà Clinton sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương.

Một hoạt động giao lưu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 5-2012.

Một hoạt động giao lưu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 5-2012.

Trong chuyến công du lần thứ 3 này tới châu Á (kể từ tháng 5-2012), Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tới thăm Đông Timor và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới quốc gia này kể từ khi Đông Timor giành được độc lập từ Indonesia năm 2002. Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Đông Timor, bà Clinton sẽ nhấn mạnh cam kết ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ non trẻ của quốc gia này. Trước đó, trong chuyến thăm đến Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận về quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Indonesia và các vấn đề nổi cộm trong khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Clinton sẽ hội đàm với người đồng cấp Dương Khiết Trì và một số lãnh đạo cao cấp khác của nước này. THX dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong các cuộc hội đàm này, hai bên “sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ và các chủ đề khác mà hai bên cùng quan tâm”. Chuyến thăm của bà Clinton diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước láng giềng đang có căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền tại biển Đông và biển Hoa Đông.

  • Tăng cường hiện diện

Hãng AFP cho rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ lần này không nằm ngoài mục đích giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường liên kết bằng các đề nghị cung cấp viện trợ hầu như không có điều kiện kèm theo. Điều này hoàn toàn khác với các nước tài trợ truyền thống trong khu vực như Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ.

Theo báo Globe and Mail của Canada, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tạo một trục Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc đang gia tăng quyền lực và ảnh hưởng với căng thẳng ngày càng tăng trong khu vực. Cho đến nay, các cuộc tranh cãi lãnh thổ tại biển Hoa Đông và biển Đông mới chỉ dừng lại ở các vụ va chạm tàu và một số vụ bắt giữ. Nhưng khi các hòn đảo nhỏ và đá ngầm trở thành các tiền đồn quân sự, phản ứng của Mỹ đối với những đụng độ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ dường như bị thử thách. Mỹ đã coi Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Đài Loan (Trung Quốc), Philippines là những đồng minh thân cận; giờ đây ông Obama đang thiết lập những mối quan hệ gần gũi hơn với Indonesia và Ấn Độ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã từng tuyên bố rằng “những điều sẽ diễn ra tại châu Á trong những năm tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Mỹ. Washington không thể đứng bên lề và để cho những nước khác quyết định tương lai của nước Mỹ”.

AFP cũng khẳng định chuyến đi của bà Clinton là nhằm chứng tỏ Washington vẫn là chiếc neo ổn định tình hình trong khu vực. Còn THX của Trung Quốc đã cáo buộc chuyến thăm của bà Clinton là nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính vì vậy, Michael Green, nhà phân tích cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng nhiệm vụ sắp tới của ông Obama là tăng cường vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương mà không gây thù địch với Trung Quốc.

ĐỖ VĂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục