Eo biển Hormuz nóng lên từng ngày

Ngày 7-1, trên mặt trận quân sự, Iran làm nóng hơn tình hình eo biển Hormuz, cửa biển duy nhất đưa dầu từ vịnh Persic ra đại dương, bằng tuyên bố tập trận hải quân ở đây, trong khi phương Tây lên kế hoạch đối phó với khả năng con đường vận chuyển dầu bị đóng cửa. Còn trên mặt trận ngoại giao, lãnh đạo Iran và Mỹ đang thực hiện các chuyến công du để lôi kéo đồng minh.
Eo biển Hormuz nóng lên từng ngày

Ngày 7-1, trên mặt trận quân sự, Iran làm nóng hơn tình hình eo biển Hormuz, cửa biển duy nhất đưa dầu từ vịnh Persic ra đại dương, bằng tuyên bố tập trận hải quân ở đây, trong khi phương Tây lên kế hoạch đối phó với khả năng con đường vận chuyển dầu bị đóng cửa. Còn trên mặt trận ngoại giao, lãnh đạo Iran và Mỹ đang thực hiện các chuyến công du để lôi kéo đồng minh.

Bản đồ eo biển Hormuz.

Bản đồ eo biển Hormuz.

  • Ráo riết hoạt động ngoại giao con thoi

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad đã bắt đầu chuyến công du đến 4 nước Mỹ Latinh có thái độ bài Mỹ, động thái được cho là tìm kiếm sự ủng hộ và tăng cường quan hệ đồng minh trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây do chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi. Quốc gia đầu tiên trong chuyến công du của Tổng thống Iran là Venezuela. Tại đây, ông sẽ gặp người đồng cấp Hugo Chavez và thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương.

Ở Nicaragua, ông Ahmedinejad sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống tái đắc cử Daniel Ortega. Cuba và Ecuador là 2 quốc gia trong chặng dừng chân cuối của ông Ahmedinejad. Ông Mohammad Reza Forqani, người điều hành cơ quan quan hệ quốc tế của Iran, cho biết chuyến thăm nơi từng là sân sau của Mỹ cho thấy sự năng động của ngoại giao Iran trên trường quốc tế, và khiến những tuyên bố của các kẻ thù trở nên vô hiệu.

Bốn nước mà Tổng thống Iran tới đều có mối quan hệ ngoại giao đang ở tình trạng băng giá với Mỹ và các nhà lãnh đạo của 4 nước này cũng đã liên tục tới Iran để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khi quan hệ với chính phủ Mỹ xấu đi.

Trong khi đó, Mỹ cũng tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia khác nhằm có những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Từ ngày 10 đến 12-1, Bộ trưởng Tài chính nước này Timothy Geithner sẽ đến Trung Quốc và Nhật Bản vào tuần tới để thảo luận về những biện pháp trừng phạt Iran nhằm gia tăng sức ép lên Chính phủ Iran, trong đó có các biện pháp tài chính siết chặt cấm vận Ngân hàng Trung ương Iran.

  • Khiêu khích gia tăng

Trong một động thái nhằm tiếp tục tăng cường sức ép lên Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Anh khẳng định sẽ triển khai tàu chiến lớn nhất HMS Daring tới vùng Vịnh. Đây là tàu khu trục Type 45, trị giá 1 tỷ bảng Anh, vừa được trang bị công nghệ mới có hệ thống radar hải quân hiện đại nhất thế giới hiện nay, có khả năng theo dõi đa dạng các mối đe dọa từ tên lửa và máy bay phản lực. Con tàu nặng 8.000 tấn, với 190 thủy thủ, sẽ rời cảng Portsmouth vào ngày 11-1.

Theo tờ Jerusalem Post, Mỹ cũng có những hoạt động tương tự với kế hoạch chuẩn bị một chiến dịch quân sự lớn chống Iran bằng việc triển khai hàng ngàn binh sĩ, tàu chiến và vũ khí tới Israel. Mỹ cũng đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và các tàu chiến trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo tới Tel Aviv.

Tàu HMS sẽ được hải quân Anh điều tới vùng vịnh Persic.

Tàu HMS sẽ được hải quân Anh điều tới vùng vịnh Persic.

Bất chấp sức ép của các nước phương Tây, Iran đã có những bước đi tiến gần hơn tới việc khởi động làm giàu uranium tại Fordow, một địa điểm được bảo vệ nằm sâu dưới lòng đất, nơi họ muốn chiết xuất nhiên liệu cho một lò phản ứng hạt nhân hòa bình, động thái sẽ khiến cuộc đối đầu về hạt nhân giữa nước này với phương Tây càng thêm căng thẳng.

Trong khi đó, các cường quốc phương Tây đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch đề phòng bất trắc, theo đó tung ra một khối lượng kỷ lục dự trữ dầu khẩn cấp để bù đắp cho gần như tất cả số dầu từ vùng Vịnh có thể bị mất một khi Iran chặn eo biển Hormuz. Các quan chức điều hành cấp cao của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã thảo luận, một kế hoạch tung ra 14 triệu thùng/ngày từ nguồn dầu dự trữ của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước nhập khẩu dầu khác. Hành động với quy mô như trên sẽ lớn gấp hơn 5 lần quy mô của lần tung dầu dữ trữ lớn nhất trong lịch sử IEA diễn ra năm 1990 khi Iraq xâm lược Kuwait. Theo kế hoạch, khối lượng dầu tối đa tung ra trên có thể được duy trì trong tháng đầu tiên diễn ra bất cứ hành động quân sự nào.

Vào ngày 6-1, Hải quân Mỹ đã giải cứu một con tàu của Iran và bắt giữ 15 kẻ tình nghi là cướp biển, giải thoát cho 13 người Iran bị giữ làm con tin trong nhiều tuần qua tại biển Ả Rập. Tàu Al Molai bị cướp biển khống chế và sử dụng làm tàu mẹ cho các hoạt động cướp biển trên khắp vùng Vịnh trong khoảng tháng rưỡi qua. Phía Mỹ tuyên bố không mong bất kỳ lời cảm ơn nào từ Chính phủ Iran và các chuyên gia quân sự cũng khẳng định chuyện giải cứu các ngư dân không có nghĩa là sẽ có sự thay đổi trong quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ.

THANH HẰNG

- Thông tin liên quan:

>> Nhiều nước tăng sức ép với Iran

>> Gia tăng nguy cơ Mỹ tấn công Iran

>> Tiền Iran giảm giá mạnh

>> Thêm khó khăn cho các công ty muốn làm ăn với Iran

Tin cùng chuyên mục