Dự án “con kênh cạn” ở Colombia

Colombia có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên tuyến đường vận tải biển và được xem như một cửa ngõ để tiến vào khu vực Mỹ Latinh. Sự kiện chính quyền Tổng thống H.Mubarak tại Ai Cập sụp đổ dẫn đến nguy cơ mất ổn định trên kênh đào Suez càng cho thấy kênh đào Panama (chiếm khoảng 5% thương mại thế giới, với 13.000-14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đó cũng là một trong những lý do để Trung Quốc muốn thúc đẩy nhanh dự án mà họ đang đàm phán với Chính phủ Colombia nhằm xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thay cho kênh đào Panama.

Theo tiết lộ mới đây của Tổng thống Colombia Juan Manuael Santos với tờ Financial Times (FT), “con kênh bằng sắt” dài 220 km với công suất vận chuyển hàng hóa lên tới 40 triệu tấn/năm sẽ chạy từ bờ biển Thái Bình Dương của Colombia tới một thành phố mới gần Cartagena trên vịnh Caribe.

“Con kênh” này không những sẽ giúp vận chuyển tài nguyên khoáng sản từ Mỹ Latinh sang Trung Quốc và hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nam Mỹ trở nên thuận tiện hơn mà còn cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc giành giật ảnh hưởng tại Colombia, nước sản xuất than lớn thứ 5 thế giới, từ tay Mỹ. Kế hoạch này được tung ra vào thời điểm giữa Mỹ và Colombia xuất hiện nhiều dấu hiệu “bớt mặn nồng”.

Mặc dù từng là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ (thông qua “Kế hoạch Colombia”, Mỹ đã viện trợ 8 tỷ USD cho Colombia để chống buôn lậu ma túy) nhưng một thỏa thuận thương mại tự do mà Washington và Bogota ký cách đây 4 năm tới giờ vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vì những lý do về “nhân quyền”. Trong khi đó, thương mại giữa Colombia và Trung Quốc đã tăng từ 10 triệu USD năm 1980 lên 5,8 tỷ USD hồi năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Colombia sau Mỹ.

Arlene Tickner, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Andes ở Bogota nhận định: “Cái bóng quá lớn của “Kế hoạch Colombia” đã che mờ mọi thứ. Khi Colombia nhận ra rằng mục đích tiến hành khống chế “lực lượng vũ trang cách mạng Colombia” của Mỹ là để mở ra khu vực hoạt động cho các nhà tư bản và các công ty dầu mỏ quốc tế lớn của Mỹ thì họ đã chậm chân hơn so với một số nước láng giềng khác như Peru, Chile và Brazil trong việc tăng cường thương mại với Trung Quốc”.

Đối với một đất nước nằm ở Bắc Nam Mỹ như Colombia, một tuyến đường giao thông nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương không những sẽ giúp nước này không còn bị phụ thuộc vào việc lưu thông trên kênh đào Panama mà còn giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém của Colombia, một trong những cam kết của tân Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khi nhậm chức hồi tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra, “con kênh cạn” sẽ giúp Colombia không những thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ mà còn mang ý nghĩa chiến lược khi vận chuyển quân sự cũng trở nên dễ dàng hơn.

Còn đối với Trung Quốc, tuyến đường sắt mới sẽ giúp Bắc Kinh không cần phụ thuộc vào sự kiểm soát của Mỹ trên kênh đào Panama để từ đó nâng cao sức mạnh của Trung Quốc ở Nam Mỹ. Nói cách khác, nếu như cách đây một thế kỷ, việc xây dựng kênh đào Panama giúp đưa tên tuổi người Mỹ lên đỉnh cao ở Mỹ Latinh, thì giờ đây dự án “con kênh cạn” đang có khả năng đưa người Trung Quốc thay thế vị trí người Mỹ ở khu vực này. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục