Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phụ trách chuyên môn Trần Đức Phấn xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Trước kết quả á quân giải U.23 châu Á 2018 của đội tuyển U.23 Việt Nam, ông có thể chia sẻ một chút đánh giá về thành tích trên?
- Ông TRẦN ĐỨC PHẤN: Thành công của U.23 vừa rồi một phần nhờ vào công tác đào tạo VĐV trẻ. Thật sự, trong đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ như vậy, về phía ngành thể thao, chúng tôi rất cảm ơn các doanh nghiệp, các đội bóng qua một thời gian dài đã đầu tư mở trung tâm đào tạo và có cầu thủ bóng đá được kỹ thuật bài bản như đội U.23 Việt Nam. Cầu thủ nhận sự đầu tư chuyên nghiệp nên ra lò đã được trang bị trình độ kỹ thuật, tâm lý, đạo đức rất tốt và phát triển đúng chuyên nghiệp. Không phải vì kết quả của U.23 Việt Nam đã có mà chúng tôi mới nhận thấy điều đó. Chúng tôi đã có đánh giá như vậy về cầu thủ qua một số giải nhóm tuổi trẻ những năm trước. Theo hướng này, tới đây, chúng tôi biết sẽ có thêm trung tâm đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ chuyên biệt như vậy.
Thành công của U.23 Việt Nam còn bỏ qua rào cản như trước rằng cầu thủ của mình khi đi đá giải rất có thể có tiêu cực làm người hâm mộ hết lòng tin. Người dân đón chào nồng nhiệt cầu thủ U.23 Việt Nam trở về, đó là niềm tin quý nhất họ dành tặng cho bóng đá Việt Nam. Về phía chúng tôi, Tổng cục TDTT đang chuẩn bị và sắp tới cùng các địa phương rà soát lại toàn bộ về việc thực hiện các chương trình trong Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, chúng tôi có tham mưu đề xuất Chính phủ một số đề án trong chương trình phát triển bóng đá, trong đó có bóng đá trẻ.
* Tuy nhiên, cầu thủ bóng đá không được góp mặt trong danh sách VĐV nhận đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Vậy sắp tới, tư duy này sẽ có thay đổi không, thưa ông?
- Các môn thể thao tập thể được vào danh sách trọng điểm là khó. Bởi vì, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các môn thể thao nói chung và một số môn trọng điểm nói riêng không thể dàn trải.
Hiện nay, theo phân loại, các VĐV được vào danh sách trọng điểm phải là người có khả năng và từng đạt được thành tích cao trong thi đấu tranh chấp đấu trường quốc tế, đặc biệt là thi đấu cấp đại hội (Olympic, ASIAD, SEA Games...). Thể thao tập thể của chúng ta tại khu vực và thế giới rất ít cơ hội đoạt huy chương vàng. Môn bóng đá là một ví dụ. Chọn VĐV riêng lẻ trong một đội bóng để đầu tư theo cách trọng điểm cá nhân mà ngành thể thao đang thực hiện sẽ không phù hợp. Do vậy, qua kết quả và chuyên môn của tuyển U.23 Việt Nam vừa rồi, chúng tôi đang tham mưu để trình Chính phủ theo hướng sẽ có đề án đầu tư theo nhiệm vụ và chiến lược hoàn toàn riêng.
Và hiện tại, bóng đá là môn duy nhất có riêng chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Không môn thể thao nào có riêng một Chiến lược phát triển như vậy. Kinh phí hiện nay của ngành chỉ đủ dành cho đầu tư một số ít VĐV tại một số môn. Nếu đầu tư hoàn toàn cho một đội bóng, kinh phí lớn là vượt quá khả năng nguồn lực đang có.
* Trước đây, đào tạo VĐV bóng đá trẻ chủ yếu thuộc về các ngành, địa phương và do các trung tâm TDTT ở địa phương, ngành đó thực hiện. Bây giờ, trung tâm đào tạo bóng đá do doanh nghiệp đầu tư xuất hiện, làm việc hiệu quả hơn. Tổng cục TDTT cần tham vấn gì thêm cho những mô hình này?
- Chúng ta nhìn thấy rõ, nếu môn bóng đá vẫn thực hiện theo cách bao cấp kiểu cũ như trước là cầu thủ được đào tạo theo hướng quản lý Nhà nước tập trung thì sẽ rất khó phát triển. Hay nói cách khác, thể thao cũng cần phải có sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Chúng tôi là cơ quan đại diện cho quản lý Nhà nước về thể thao sẽ cần tạo điều kiện tốt hơn, giúp họ thực hiện được nhiệm vụ qua hình thức tham mưu tới lãnh đạo đề xuất các chính sách, cả chính sách về đất đai. Nếu tạo được một cơ chế thông thoáng, tôi tin doanh nghiệp sẽ tin tưởng đầu tư vào bóng đá nhiều hơn. Trong cách thực hiện mô hình cũ là ngành quản lý, địa phương quản lý thì nguồn lực kinh phí không nhiều, rất bị bó hẹp. Các cơ chế chính sách ưu đãi cho người làm thể thao thì thể thao sẽ được hưởng lợi để có đà phát triển. Tôi nghĩ không chỉ bóng đá, các môn khác cũng rất cần như vậy.
* Trong 1 năm, Tổng cục TDTT đều có tổng thể các chương trình đào tạo, huấn luyện VĐV. Vậy số chương trình dành cho đào tạo VĐV trẻ chiếm bao nhiêu phần trăm và tài chính dành cho việc đào tạo này phân bổ như thế nào?
- Trên tổng ngân sách được Nhà nước phân bổ cho Tổng cục TDTT trong 1 năm, các chương trình VĐV trẻ được đào tạo, đầu tư chiếm đến 40%. Chúng ta đầu tư đều tính toán cụ thể do còn có đầu tư quan trọng cho VĐV ở các đội tuyển thể thao quốc gia. Chúng tôi luôn hoạch định để có đội tuyển quốc gia mạnh thì chân đế phải rộng nên đào tạo VĐV trẻ được chú trọng, thực hiện liên tục.
Tuy nhiên, tính tỷ lệ ở riêng từng môn thì việc thực hiện đào tạo VĐV trẻ nhiều hơn. Nguyên do, chúng ta phải có đầu tư rộng, lực lượng dài hạn hướng đến nhiệm vụ quan trọng thi đấu nối tiếp nhau. Đào tạo ra được một VĐV tốt ở bất kỳ môn thể thao nào đều cần thời gian chứ không đơn thuần phát hiện họ là tài năng thì sẽ thi đấu xuất chúng ngay. Ví dụ, trong 5 nhóm môn số 1 chúng ta đầu tư mạnh mẽ nhất gồm điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ thì lực lượng VĐV trẻ được đầu tư nhiều hơn so với tuyến đội tuyển. Hiện nay, chúng ta có 26 môn thể thao có VĐV sẽ thi đấu luôn xoay quanh trục liên tục giữa SEA Games - ASIAD và Olympic nên luôn có sự tính toán kỹ lưỡng.
* Cảm ơn ông!