Mới đây, doanh nghiệp và các sản phẩm công nghệ của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ xác định là nhân tố chính để phát triển kinh tế và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thông qua các sản phẩm/doanh nghiệp “Make in Vietnam”. Điều này có nghĩa, người dân Việt Nam sẽ rất thuận lợi khi tiếp cận những thành tựu về công nghệ, bao gồm cả sự dễ dàng khi sử dụng cũng như chi phí bản quyền. Một số lĩnh vực như giáo dục, y tế còn được các tập đoàn lớn hứa sẽ tặng miễn phí.
Ngược lại, hàm lượng công nghệ trong ngành thể thao Việt Nam lại rất thấp, mặc dù đây lại là lĩnh vực được xem hưởng thụ nhiều nhất sự tiến bộ của khoa học, bao trùm mọi khía cạnh về dinh dưỡng, tập luyện và thi đấu. Chính những ứng dụng công nghệ đã tạo ra các khác biệt trong cuộc đua tranh nhanh hơn, cao hơn, xa hơn của thể thao. Có ý kiến cho rằng, thể thao Việt Nam vướng yếu tố tài chính. Để ứng dụng công nghệ, cũng cần phải có cơ sở vật chất phù hợp, trong khi đây lại là thứ yếu nhất của thể thao Việt Nam. Ví dụ như không thể áp dụng công nghệ VAR trong môn bóng đá vì rất nhiều sân bóng không đủ điều kiện lắp đặt và truyền dẫn. Hoặc muốn đo thông số vận động của VĐV trong thi đấu hay tập luyện cũng phải có khu vực đặc thù để lắp đặt bảo đảm chất lượng thu thập dữ liệu. Chẳng hạn trường hợp kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, mặc dù sang Mỹ tập huấn cũng chủ yếu tập luyện trong bể bơi, ăn uống theo các công thức có sẵn, nhưng ở các trung tâm huấn luyện đỉnh cao chuyên biệt có những thiết bị theo dõi đến từng chi tiết. Việc điều chỉnh thành tích cũng vì vậy mà diễn ra nhanh hơn nhiều.
Nhiều người theo dõi thể thao Việt Nam lâu năm cho rằng trở ngại lớn nhất của ngành thể thao lại thuộc về tư duy. Khó khăn về tài chính là có, nhưng nếu biết cách “đặt hàng” và hợp tác với ngành công nghệ vẫn có thể áp dụng công nghệ với giá rẻ, phù hợp. Nhưng nếu vẫn còn ở tư duy 1.0, thì lợi thế “Make in Vietnam” cũng khó tác động đến ngành thể thao.
Câu chuyện thụ động về tư duy đã có từ hàng chục năm trước. Ví dụ như khi tổ chức giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng, giải đấu được xếp vào nhóm đầu châu lục về chất lượng, có sự tham gia của những tay vợt lừng lẫy với nhiều phong cách thi đấu biến ảo. Thế nhưng, cứ hết năm này sang năm khác, chẳng thấy các nhà chuyên môn bóng bàn Việt Nam ghi hình các trận đấu dù chỉ cần một chiếc máy quay cá nhân. Báo chí nói mãi, thì phải sau chục lần tổ chức mới thấy thực hiện.
Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy đa số những môn thể thao tập thể ở Việt Nam, hầu như không xuất hiện những yếu tố công nghệ trong cả tập luyện và thi đấu, mặc dù những chương trình huấn luyện, các ứng dụng về thống kê, các bài test kỹ thuật dựa trên máy tính đều có sẵn, dễ tìm. Nhiều đội bóng ở Việt Nam thậm chí không quan tâm đến chất lượng của sân tập, của khu hồi phục thể lực, nên chắc chắn cũng chẳng màng đến việc áp dụng công nghệ. Điều này dẫn đến sự rập khuôn cũ kỹ về chiến thuật trong thi đấu, nhất là ở môn bóng đá.
Vì tư duy của ngành thể thao không ở thời đại 4.0, nên đến nay, ngay một môn có sự phổ biến cực cao như bóng đá, hoàn toàn chưa có một kho dữ liệu về cầu thủ nào cả, bao gồm các đội tuyển quốc gia. Đội tuyển đã như vậy, ở cấp CLB còn kém hơn. Vì lẽ đó mà nhiều đội vẫn phải áp dụng kiểu tập trung tại chỗ để dễ quan sát, đánh giá cầu thủ bằng… cảm quan. Thậm chí, ngay lò đào tạo được cho là theo mô hình Arsenal như của HA.GL, việc tuyển sinh và quá trình dinh dưỡng cũng thiếu ứng dụng công nghệ. Thể hình cầu thủ không tốt, có trường hợp như tiền vệ Tuấn Anh mới 23 tuổi đã phải lên bàn mổ chấn thương đến 3 lần dù cường độ thi đấu không cao. Đây là chi tiết cho thấy việc chọn lựa đầu vào thiếu hẳn yếu tố khoa học công nghệ nên không đánh giá đầy đủ về thể chất.
Như đã nói, nếu nghành thể thao có tư duy 4.0, có quyết tâm ứng dụng công nghệ, khao khát chinh phục đỉnh cao thì mới có chuyện tìm đến những doanh nghiệp công nghệ để đặt hàng nhằm giảm bớt chi phí so với việc mua của nước ngoài, hơn nữa cũng phù hợp với thể trạng của VĐV Việt Nam.