Thể thao và quảng bá hình ảnh

Việc tận dụng các sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm vóc quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước - con người của một quốc gia hay trong một không gian hẹp hơn, đó là quảng bá cho lĩnh vực của mình, là điều không có gì xa lạ. 

Bộ phim “bom tấn” Skull Island chọn bối cảnh chính tại Ninh Bình vừa qua là một ví dụ sinh động cho việc chủ động “chớp thời cơ” cho những nhà làm du lịch và điện ảnh Việt Nam.

Trong địa hạt thể thao, rất tiếc là mặc dù đã “đi trước” nhiều bước nhưng hoạt động quảng bá hiện nay hãy còn manh mún. Ví dụ như việc tổ chức các đại hội thể thao trong nhà (Asian Indoor Games) năm 2009 hay đại hội thể thao bãi biển (ABG) 2016 gần như không được ngay chính người Việt Nam biết đến, nói chi đến chuyện quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè năm châu dù mỗi sự kiện như vậy, chúng ta tiếp đón hơn 1 vạn người đến từ nhiều quốc gia trong châu lục.

Bỏ thời gian lẫn chi phí để vận động quyền đăng cai mà còn như vậy, nên cũng khó đòi hỏi các nhà quản lý thể thao Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội quảng bá liên quan đến những sự kiện mang tính thời điểm khác.

Như việc đội tuyển U.20 Việt Nam giành quyền tham dự World Cup lần đầu tiên chẳng hạn. Còn nhớ, khi đội U.19 với thành phần nòng cốt là lứa cầu thủ học viện HA.GL - Arsenal có vé dự U.19 châu Á thôi, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã tổ chức ngay một giải quốc tế hoành tráng ở TPHCM với những tên tuổi lớn, sau đó là đưa giải vô địch U.19 Đông Nam Á về Hà Nội tổ chức, chưa kể 2 tháng trời du đấu tại châu Âu với hàng chục trận đấu. Trong khi đó, suốt từ khi giành quyền dự VCK World Cup hồi tháng 10 năm ngoái đến nay, đội tuyển U.20 Việt Nam gần như âm thầm tập luyện và cũng chỉ có khoảng 5 trận đấu để chuẩn bị trước khi tranh tài ở Hàn Quốc vào tháng 5 này. Chúng ta đã thấy hiệu ứng rất tốt của việc quảng bá cho đội U.19 hồi năm 2014, tạo ra một cú hích thật sự đối với người hâm mộ lẫn công tác đào tạo bóng đá trẻ. Rất tiếc, những hiệu ứng đó có được là do các nhà tài trợ tự thực hiện, ngược lại với đội U.20 năm nay, các nhà quản lý chỉ tập trung vào chuyên môn, bỏ quên cơ hội quảng bá “trăm năm có một lần”.

Câu chuyện tương tự có thể thấy qua hình ảnh phát triển của bộ môn futsal kể từ sau khi tham dự World Cup. Ở khía cạnh tương phản, lại thấy chiếc HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chưa đem lại các tác động cụ thể nào với thể thao nước nhà, kể cả trong môn bắn súng. Tính chất của các sự kiện thì như nhau nhưng việc ứng xử với nó lại khác nhau và kết quả thì như đã biết.

Tổng cục TDTT cũng không phải không nhìn thấy điểm yếu này. Đây là lý do mà kể từ năm 2017, hàng tháng sẽ có những cuộc gặp gỡ báo chí nhằm gia tăng thời lượng thông tin về thể thao trên truyền thông. Một số liên đoàn thể thao cũng đã tự tổ chức các hoạt động quảng bá trên website, mạng xã hội để chủ động đưa thông tin đến người hâm mộ…, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến nghi ngại về sự bền vững của hoạt động quảng bá. Có người cho rằng, một số thay đổi gần đây chẳng qua đến từ việc một nhà báo kỳ cựu trong giới thể thao vừa được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng nên phần nào có những chuyển biến về cách làm trong bộ máy quản lý. Vấn đề là liệu sự thay đổi đó có được duy trì lâu dài, triển khai được các hoạt động mang tính chuyên nghiệp hơn không và quan trọng hơn, liệu nó có thật sự thay đổi về tư duy của các nhà quản lý hay chỉ mang tính chất phong trào, nhiệm kỳ…

Cách đây không lâu, thể thao Việt Nam từng có cơ hội sở hữu bản quyền hình ảnh với sự hợp tác cùng đài AVG để trực tiếp mọi giải đấu trên sóng truyền hình. Thế nhưng, khi kế hoạch này không thành thì cũng chẳng thấy các nhà quản lý tìm phương án thay thế.

Tin cùng chuyên mục