Nâng cao nhận thức
Với chủ đề “Thế hệ trẻ cùng chung tay bảo vệ Trái đất’’, hội nghị Laudato Si’, tên được đặt theo một thông điệp môi trường của Giáo hoàng Francis, do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) tổ chức nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Điều hành UNEP Joyce Msuya kêu gọi toàn thế giới hãy tiếp sức cho thế hệ trẻ để họ có thể vững vàng đứng trên tuyến đầu trong việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, về phát triển bền vững nhằm góp phần bảo vệ Trái đất. Bà Msuya nhấn mạnh toàn nhân loại cần đóng vai trò như một hậu phương vững chắc để thế hệ trẻ thực hiện sứ mệnh đầy chông gai này.
Bên cạnh việc tìm ra những giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, các đại biểu tham gia hội nghị còn chia sẻ kinh nghiệm và những kết quả thành công trong quá trình thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường tại quốc gia mình. Theo các đại biểu, việc cập nhật thông tin thường xuyên là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện các chương trình về chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Trước đó, hơn 7.000 trường cao đẳng, đại học, trường đào tạo nghề trên toàn thế giới đã cùng ra tuyên bố về tình trạng biến đổi khí hậu nguy cấp hiện nay trong một bức thư chung gửi LHQ cùng ngày. Bức thư nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các trường trong việc định hình nhân cách cũng như tư duy của sinh viên - lực lượng lao động và cũng là thế hệ lãnh đạo đất nước trong tương lai. Hiện bức thư đang được đăng công khai để tiếp nhận thêm chữ ký trực tuyến của lãnh đạo các trường. Các nhà tổ chức hy vọng hoạt động này sẽ thu hút được hơn 10.000 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn thế giới tham gia.
Cần giải pháp thực tế
Các nghị sĩ bang New York đã thông qua một trong những luật chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất thế giới với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính vào năm 2050. Theo đạo luật có tên Đi đầu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ cộng đồng, tới năm 2050, ô tô chạy bằng xăng, các hệ thống sưởi, lò đốt sử dụng dầu sẽ bị thải loại hoàn toàn; toàn bộ điện sử dụng ở bang này sẽ được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch.
Bang New York kỳ vọng sẽ giảm được 85% mức ô nhiễm so với mức của những năm 1990 và 15% còn lại sẽ được giải quyết bằng các biện pháp tách carbon dioxide khỏi không khí. Dự luật này hiện đã được Thượng viện bang New York thông qua và chuyển tới Hạ viện.
Tuy nhiên, tờ New York Times nhận định dự luật của bang New York đặt ra những mục tiêu chống biến đổi khí hậu quá tham vọng, nếu không muốn nói là tham vọng nhất thế giới. Những thách thức để đạt được mục tiêu như vậy là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh số liệu mới nhất của bang đưa ra vào tháng 9-2018 cho thấy New York chỉ giảm được 8% khí thải nhà kính trong khoảng thời gian 1990-2015.
Các doanh nghiệp tại bang này hiện đã lên tiếng cho rằng dự luật này không có tính thực tế và sẽ là thảm họa cho các công ty nếu họ buộc phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, khoảng 1/4 lượng khí thải của New York là từ nhà riêng và các tòa nhà văn phòng mà chủ yếu sử dụng hệ thống sưởi khí ga. Nếu luật mới được áp dụng, hầu hết hệ thống này sẽ cần phải điều chỉnh để có thể chạy bằng nguồn điện phi carbon hoặc bằng năng lượng tái tạo.
Theo dự luật này, tới năm 2030, 70% sản lượng điện của New York sẽ phải khai thác từ nguồn gió, mặt trời, nước và sau đó chuyển đổi hẳn sang các nguồn năng lượng phi carbon dioxide vào năm 2040.