Phải thay đổi chương trình đào tạo
Hiện nay, ngoài việc cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên yếu kém thì chương trình đào tạo hiện cũng quá lạc hậu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Tuy đã có rất nhiều hội thảo, thống kê đánh giá, nhưng đến nay Bộ GD-ĐT chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào để đánh giá thực trạng chương trình đào tạo ĐH của Việt Nam.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ: “Chương trình đào tạo của các trường hiện chỉ làm mới bằng cách cập nhật, thêm bớt một số môn, chứ khó có thể xây dựng chương trình đào tạo mới. Bởi vì đầu tư xây dựng chương trình đào tạo mới theo kịp với chuẩn quốc tế thì trước hết phải có lực lượng hùng hậu, kinh nghiệm nhiều năm mới có thể làm được. Nhưng nếu có xây dựng được chương trình đào tạo mới thì quay lại với các điều kiện cơ sở vật chất yếu kém, học phí theo quy định Nhà nước thì khó mà có thể triển khai được. Ngoài ra, để xây dựng chương trình đào tạo mới thì kinh phí bỏ ra không hề ít, nên với số tiền thiếu trước hụt sau từ ngân sách thì không một ông hiệu trưởng nào có thể đủ kinh phí để làm chuyện này. Và nếu trả thù lao không tương xứng với công sức bỏ ra thì không ai muốn thực hiện xây dựng chương trình đào tạo mới. Cái vòng luẩn quẩn này đã đẩy các trường thi nhau xào nấu, sao chép lại chương trình của trường khác và cuối cùng chương trình đào tạo… cũ vẫn hoàn cũ”.
Mới đây, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh hội nhập và tự chủ” do Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tổ chức, PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết trường mình thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có việc “đập hết xây lại mới” toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường và tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Trường xây dựng và áp dụng chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà. Nhằm thực hiện bước đột phá này, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tham khảo chương trình của các trường ĐH hàng đầu thế giới để xây dựng chương trình, giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng giáo trình quốc tế (chương trình các trường tốp 100 cho bậc thạc sĩ, tốp 200 cho bậc ĐH). Các giáo trình này được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và 2 của bậc ĐH, còn năm thứ 3, 4 bậc ĐH và toàn bộ bậc thạc sĩ sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình gốc (tiếng Anh) do trường lựa chọn.
Trước đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng mạnh dạn đưa vào giảng dạy bậc ĐH tất cả các ngành học bằng chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc tốp 100 trên thế giới, đổi mới kiến thức cho sinh viên theo hướng quốc tế hóa…
Nâng chuẩn giảng viên
Thực tế cho thấy, chọn giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ dễ hơn rất nhiều so với đổi mới hoàn toàn chương trình đào tạo. Điều này muốn thực hiện phải có quyết tâm, phải có tiền thì mới làm được.
Để đổi mới chương trình, Trường ĐH Kinh tế TPHCM phải nâng chuẩn giảng viên (năng lực ngoại ngữ), đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu tham khảo. Cùng với đó, lương và thù lao giảng dạy của giảng viên cũng phải xứng đáng.
Theo Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng: “Một trường muốn đạt đẳng cấp quốc tế thì không thể tách khỏi yêu cầu hội nhập đối với giảng viên và sinh viên, mà ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định. Ngay từ năm 2008, chuẩn đầu ra của trường yêu cầu trình độ ngoại ngữ của sinh viên phải đạt TOEIC 500 và hiện nay là IELTS từ 5.0 trở lên. Trong khi đó, tất cả giảng viên bắt buộc (được tài trợ kinh phí) phải học tiếng Anh đến các trình độ TOEFL: 600, IELTS: 6.5. Đây là bước đi quyết liệt để nhanh chóng chuẩn hóa năng lực giao tiếp tiếng Anh, cũng như khả năng hội nhập và làm việc theo chuẩn quốc tế cho đội ngũ nhà khoa học, nhà giáo, viên chức lẫn sinh viên”. Từ năm 2015, tất cả các ngành học được áp dụng chương trình đào tạo của các trường ĐH thuộc tốp 100 trên thế giới, đổi mới kiến thức cho sinh viên theo hướng quốc tế hóa. Mục tiêu hướng đến là các chương trình của trường sẽ được kiểm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định có uy tín của quốc tế.
Phân tích vì sao chọn giải pháp đổi mới chương trình đào tạo, đại diện các trường phân tích: Đội ngũ giảng dạy thực tế đã phản ánh khá rõ là quá yếu và như thế thì không thể nào đổi mới phương pháp giảng dạy. Mà thầy giỏi thì mới có trò giỏi được. Để có người thầy giỏi thì các điều kiện như chương trình, cơ sở vật chất đồng bộ mới khiến họ phát huy hết “công suất” giảng dạy, nghiên cứu cho sinh viên, học viên. Và để thu hút, nâng chất được người thầy cho chương trình đào tạo mới thì cần đảm bảo họ phải sống được bằng lương. Nếu đồng lương chỉ “ba cọc ba đồng” như hiện hay thì không thể bắt họ phải cống hiến hết khả năng, và đương nhiên họ phải chạy sô, dạy chay hay “gây mê” là đương nhiên.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT: Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp; một số cơ sở đào tạo chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ không có giảng viên, nhiều trường ngoài công lập dựa vào nguồn giảng viên thỉnh giảng là chính; qua rà soát thì tỷ lệ sinh viên/giảng viên hiện nay là 22,7 (nhiều trường có tỷ lệ này khá cao, có trường 30 - 40 sinh viên/giảng viên, có trường trên 50 sinh viên/giảng viên); trong số 3.575 ngành đào tạo được khảo sát, có trên 500 ngành có tỷ lệ vượt quá 30 sinh viên/giảng viên, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ hơn 100 sinh viên/giảng viên (chủ yếu ở khối ngành kinh tế, quản lý, luật và giáo dục).