Chợ đêm ở thành phố
Ở thành phố này, người ta hẹn nhau cà phê lúc tám, chín giờ tối, rồi đi ăn khuya lúc 11 hay 12 giờ đêm là chuyện quá đỗi bình thường. Quán xá, cửa hàng buôn bán đến tận khuya, nhất là những quán ăn, những khu chợ đêm dường như bán đến tận sáng. Cũng bởi thế mà các khu chợ đêm dường như không khi nào vắng khách. Không hẳn phải mua sắm thứ gì mới rủ nhau ra chợ đêm, đơn giản chỉ đi dạo, ngắm đồ, rồi tìm mấy món ăn vặt cho vui miệng.
Khách nước ngoài tham quan, chụp ảnh ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Nếu nhiều nhà hàng thu hút khách bởi không gian sang trọng, đèn màu lấp lánh, đồ ăn được bài trí kiểu cách cầu kỳ, thì chuyện ăn uống ở những khu chợ đêm lại đơn giản và bình dân, đôi khi chỉ là vài cái bàn, ghế nhựa kê lại bên cạnh xe thức ăn. Có lẽ chính không gian đơn giản, không câu nệ hình thức này mà nhiều thực khách thích ghé lại chợ đêm hơn. Khách hàng sang trọng hay bình dân đều có thể ghé lại gọi cho mình đĩa cơm tấm hoặc tô bún riêu.
Cũng không kể chuyện quen hay lạ, khách ngồi chung bàn vừa ăn vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại nhờ đưa giùm đĩa ớt hay hũ tương. “Nhiều khi bạn bè rủ nhau đi ăn, rồi ngồi nói chuyện quên trời đất luôn mà người bán cũng cười tươi chiều khách. Với lại ăn quen nhiều năm rồi nên hợp khẩu vị lắm, mấy món bình dân mà nấu kiểu nhà hàng, thêm gia vị nước ngoài này kia nhiều khi không hợp ý mình, có sang mấy cũng thấy không ngon bằng”, chị Thảo Nguyên (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, một khách hàng quen thuộc của khu chợ đêm Hạnh Thông Tây) chia sẻ.
Không còn thịt cá, rau cải như chợ sáng, chợ đêm chủ yếu bán quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ lưu niệm… và không gian ăn uống. Trong thành phố có khá nhiều khu chợ đêm phục vụ khách, như chợ Bến Thành (quận 1), chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ Kỳ Hòa (quận 10), chợ Cây Gõ (quận 6), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hòa Bình (quận 5), chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)… Nhiều khu chợ đêm còn là điểm hẹn để các bạn trẻ rủ nhau mua sắm, đặc biệt là quần áo, vì giá cả bình dân và nhiều kiểu dáng để lựa chọn.
Và nhắc đến chợ đêm ở thành phố, ngôi chợ dường như không chỉ quen thuộc với người thành phố mà còn nổi tiếng khắp cả nước, đó là chợ đêm Bến Thành. Có mặt từ rất lâu và sầm uất bậc nhất thành phố, tọa lạc ngay vị trí trung tâm nên khách hàng của chợ phần nhiều là khách du lịch, khách nước ngoài. “Buôn bán ở đây cũng gần chục năm rồi, ngày cũng như đêm, chợ đều nhộn nhịp. Mấy món ăn Việt Nam, khách nước ngoài thử qua đều thích, như bánh xèo hay cơm tấm. Có bữa khách ăn xong còn xin chụp một tấm hình lưu niệm với người bán”, cô Ba Thương (một tiểu thương hàng ăn uống chợ Bến Thành) cho hay.
Nhọc nhằn mưu sinh
Cũng là những ngôi chợ đêm lớn trong thành phố, nhưng khách hàng không ghé để tham quan, dạo chơi, ăn uống, đây chủ yếu là các thương lái, khách sỉ tới lấy hàng. Không khí ở các chợ đầu mối vào ban đêm tất bật, kẻ khiêng người vác, mồ hôi nhễ nhại, thức trắng cả đêm mưu sinh.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) - chợ hoa đêm nổi tiếng và lớn nhất thành phố, ngập tràn hương sắc của đủ các loại hoa tươi từ nửa đêm về sáng. Buôn bán gần như xuyên đêm, chợ nhộn nhịp nhất vào khoảng 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Đây là lúc các xe chở hoa từ những vựa hoa lớn ở Đà Lạt và các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long… ghé lại giao hàng. Các mối lái, khách mua sỉ bắt đầu kéo về chợ để lấy hoa, công nhân bốc vác cũng bắt đầu hối hả vận chuyển, sắp xếp hoa cho khách. Bàn tay đàn ông cứng cáp, rắn rỏi nhưng khuân vác hoa nhẹ nhàng, nâng niu. Ông Hai Long (50 tuổi, công nhân bốc vác chợ hoa Hồ Thị Kỷ) hóm hỉnh chia sẻ: “Cưng hoa như cưng con ở nhà vậy đó, không có dám mạnh tay, sợ giập bông, gãy cành. Bữa nào bông nhiều hay có gấp tới đâu cũng phải chất xuống nhẹ nhàng, chứ bông tươi mà để giập thì còn buôn bán gì nữa”.
Có mặt từ đầu hôm ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), cánh công nhân bốc vác hối hả khiêng hàng hóa từ các xe tải xuống cho tiểu thương trong chợ và khuân hàng từ trong chợ ra bên ngoài cho khách. Khu vực chợ cá là nơi tấp nập và nhộn nhịp nhất chợ, với đủ loại hải sản tươi sống được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây và miền Trung về chợ ngày trong ngày bằng xe lạnh. Vừa nghỉ tay sau khi vác 15 thùng cá từ xe vào sạp, anh Thanh Tín (công nhân bốc vác chợ Bình Điền) quệt mồ hôi, tranh thủ hớp ngụm cà phê, chia sẻ: “Làm đêm cực lắm, phải uống cà phê cho đỡ buồn ngủ, mà bữa nào cá về nhiều thì lo khiêng, không kịp uống luôn, nhưng bù lại chịu khó khiêng vác thì cũng kiếm được kha khá”. Còn với cô Út Lan (tiểu thương trong khu chợ cá), công việc đã thành quen: “Buôn bán cả mấy chục năm rồi nên đêm cũng thức như ngày, bữa nào mệt quá thì tranh thủ chợp mắt 5, 10 phút, cho ông xã coi đỡ. Nhưng chuyện giá cả với mối lái thì tui đứng ra tính, chứ để ổng nhiều khi không rành, tính lộn chỗ nào là lỗ vốn như chơi”, cô Lan cho biết.
Sau những buổi chợ đêm, hàng hóa được vận chuyển đi khắp nơi trong thành phố. Người công nhân bốc vác lại nhẹ nhàng về nhà tranh thủ giấc ngủ ngắn cho những đêm mưu sinh kế tiếp. Những chợ đêm góp phần làm cho thành phố trẻ năng động có những ngày mới gần nhau hơn từ những gánh hàng đêm.