Thăng hoa với nhạc phim

Điện ảnh Việt tuy trải qua một năm thất bát nhưng vẫn có những điểm sáng. Ngoài sự phát triển về mặt kỹ xảo, âm nhạc thì các ca khúc trong phim đã tạo không ít dấu ấn. 
Ca sĩ Minh Hằng thể hiện ca khúc Anh từ đâu (phim Bao giờ có yêu nhau) tại lễ trao giải Cánh diều 2016 Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ca sĩ Minh Hằng thể hiện ca khúc Anh từ đâu (phim Bao giờ có yêu nhau) tại lễ trao giải Cánh diều 2016 Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khởi sắc

Tại lễ trao giải Cánh diều 2016, ca khúc Bống bống bang bang một lần nữa được vang lên trên sân khấu với diện mạo tươi mới. Các thành viên tuổi teen của nhóm nhạc P336 đã thể hiện ca khúc bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật, khiến các khách mời, khán giả vô cùng thích thú. Trước đó, nhóm nhạc 10 thành viên này đã mang ca khúc sang trình diễn ở Nhật Bản và cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bống bống bang bang là bằng chứng chứng minh sự khởi sắc của nhạc phim năm 2016 trong bối cảnh phim Việt nhuốm màu ảm đạm. 

Với 42 phim đã ra rạp trong năm 2016 và hơn 10 phim từ đầu 2017 đến nay, nhạc phim và ca khúc trong phim Việt cho thấy sự đa dạng về mặt thể loại. Nhiều ca khúc cũ nổi tiếng: Còn tuổi nào cho em, Ô mê ly, Diễm xưa, Kiếp nào có yêu nhau, Đố ai... đã được sử dụng rất khéo léo. Không ít trong số đó trở thành linh hồn, một nhân vật vô hình nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến bộ phim. Trong bộ phim Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, giám đốc âm nhạc Đức Trí đã thiên biến vạn hóa ca khúc cùng tên này tạo nên những bản nhạc nền vừa mênh mang, du dương, vừa da diết. Ít nhất 3 lần ca khúc đã được vang lên ở những tình huống cao trào trong phim. Cũng trong phim Dạ cổ hoài lang, ca khúc Đi để trở về cũng nhận được đánh giá tích cực. Những bản nhạc phim gây dấu ấn khác không thể không kể đến như: Anh từ đâu (phim Bao giờ có yêu nhau); Ta hứa sẽ nhận ra (phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể); Mưa và nắng (phim Nắng); Sài Gòn anh yêu em (phim cùng tên); Mặt trời của anh (phim Sứ mệnh trái tim); Ánh nắng của anh (phim Chờ em đến ngày mai)...

Nếu trong nước, nhạc sĩ Đức Trí là người khá mát tay với vai trò giám đốc âm nhạc nhiều bộ phim thì sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài cũng góp phần khiến phần âm nhạc và nhạc phim Việt đầy tươi mới. Christopher Wong là cái tên quá quen thuộc với giới làm phim Việt khi đảm nhận phần nhạc phim của nhiều bộ phim có tiếng: Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh, Cô dâu đại chiến, Scandal, Dòng máu anh hùng, Để mai tính... hay sắp tới là Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Mới đây nhất, bộ phim Cha cõng con cũng gây bất ngờ khi mời được nhạc sĩ Lee Dong-jun, người làm nhạc phim Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7, Operation Chromite... đảm nhận công việc này. 

Sự cộng hưởng

GS-TS Trần Luân Kim tại tọa đàm Sáng tác điện ảnh và truyền hình đã chia sẻ: “Nhiều phim Việt thu hút khán giả bằng hình ảnh và âm thanh chuyên nghiệp, thể hiện sự bài bản và chăm chút của phía nhà sản xuất và các ê kíp. Điều này có tác động lớn do sự phát triển về mặt công nghệ”. Sự phát triển của âm nhạc và các ca khúc trong phim là điều tất yếu trong xu thế hội nhập điện ảnh. Nhận thức được điều đó, các nhà sản xuất đã rất ý thức trong việc đầu tư cho phần âm nhạc một cách chỉn chu, tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Ngoài một số ca khúc cũ, các ca khúc mới đều được đặt hàng các nhạc sĩ nổi tiếng viết riêng, được hòa âm, phối khí theo đúng tinh thần bộ phim. Thành công ấy là tất yếu, nhất là khi nó còn có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố phụ trợ khác. 

Một thực tế, hầu hết các ca khúc chính trong các phim điện ảnh hiện nay đều được các ca sĩ thể hiện đầu tư quay MV dưới hai dạng: lồng ghép các hình ảnh trong phim hoặc MV độc lập giống như single. Cùng với sức nóng của bộ phim, sức ảnh hưởng của các ca sĩ và quy trình PR bài bản nên những thành công thu về rất đáng khích lệ. MV Bống bống bang bang của nhóm 365 hiện đạt hơn 163 triệu lượt xem - trở thành ca khúc nhạc phim phổ biến bậc nhất hiện nay. Nhiều MV khác cũng không khó để đạt đến con số triệu lượt xem như: Ánh nắng của anh (hơn 14 triệu lượt xem), Cho em gần anh thêm chút nữa (gần 12 triệu lượt xem), Ta hứa sẽ nhận ra (hơn 6 triệu lượt xem)...  Đó là lý do lý giải các ca khúc không chỉ sống cùng bộ phim trong thời gian công chiếu mà đã bước ra ngoài đời thực và có đời sống riêng độc lập. Sắp tới đây, một số bộ phim chuẩn bị công chiếu: Em chưa 18, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa... cũng hứa hẹn sẽ tạo nên những bản hit mới.

Có một thực tế khác đang tồn tại. Sự thành công của nhạc phim và bộ phim không hẳn lúc nào cũng song hành. Tại lễ trao giải Cánh diều vừa qua, nhạc sĩ Viết Thanh nhận giải Âm thanh xuất sắc cho Fan cuồng một cách đầy thuyết phục trong khi trước đó bộ phim bị chê không ít. Một số ca khúc: Ngày em xa quê (phim Vòng eo 56), Đi về yêu thương (phim Fan cuồng), Gái già lắm chiêu (phim cùng tên), Yêu thương lạc lối (phim Vợ ơi, em ở đâu)... được yêu thích và có tên trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc, dù phim không phải lúc nào cũng được khen.

Có thể thấy, ngôn ngữ âm nhạc nếu biết chăm chút đúng cách, sẽ tạo nên sự cộng hưởng và thành công ngọt ngào cho cả hai: phim và nhạc.

Tin cùng chuyên mục