Thẩm định - Có vấn đề?

Có một câu chuyện nhỏ, không nhớ ai kể, đại ý ở một thành phố nọ có một cụ bà đã nửa thế kỷ ngồi bán một món ăn duy nhất là món bánh mì điểm tâm theo kiểu Việt Nam. 

Cụ bán ổ bánh nho nhỏ, xinh xinh, vỏ giòn vàng rụm, nhân bên trong có pate phết, vài miếng xá xíu, ít giò lụa, điểm xuyết nữa là hành lá cắt tỉa, lát dưa leo, đồ chua, ớt bổ dọc hồng hồng, tất cả hòa quyện tạo tuyệt phẩm cả về màu sắc, bố cục với đủ vị béo ngậy, cay cay, chua chua, mằn mặn. Mọi người, kể cả Việt kiều đều ghé quán bà, cùng thưởng thức thứ đặc sản không tìm đâu ra trong thời buổi nở rộ đồ ăn nhanh dạng hotdog, hamburger quá ngán.

Ai đó có nói mình nhớ lắm quê hương, nhớ lắm đất nước thì trong vô vàn cái nhớ quay quắt, cái ổ bánh mì đặc sản đó của cụ bà chắc hẳn có một chỗ đứng đáng kể trong trái tim. Đơn giản là có đi đâu, về đâu cũng không thoát mùi vị giòn tan khó cưỡng của nó… và đó nói nôm na là dân tộc tính hay tính dân tộc. Nhưng rất tiếc, trong cuộc sống thực dụng hiện nay, những điều tưởng như nhỏ nhặt vậy lại dễ bị lãng quên bởi người ta đã quen “tư duy lớn”.

Có 2 chuyện lớn đáng bàn, đáng nói, đang sốt trong dư luận giữa đỉnh điểm của mùa khô nóng. Thứ nhất là giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Khoan nói sự luộm thuộm trong khâu tổ chức, xét chọn, cách thức trao giải,… người ta băn khoăn trước tiên là tiêu chí chấm giải có thật vì “sự sáng tạo nghệ thuật” theo như tôn chỉ chấm giải của hội nghề nghiệp hay không. Chỉ nói là thất vọng toàn tập. Tất nhiên phải so bó đũa, chọn cột cờ, nhưng so gì thì so, vẫn phải chọn ra cho được một mẩu gì đó nhú hơn một chút so với một tập thể toàn mang tính thương mại, giải trí thuần túy. Ở đây điều đáng tiếc đã xảy ra và cụ thể là với số phận phim Cha cõng con của đạo diễn trẻ Lương Đình Dũng. Cảm nhận chung của những người đam mê điện ảnh khi xem phim này là đạo diễn đã thổi hồn cho đời thường dung dị, làm đậm chất nhân văn, toát lên sự tử tế của nhân cách Việt thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Người xem đã khóc vì sự cô đơn của hai cha con trước căn bệnh máu trắng nan y; đã nức nở thật sự khi nghe cậu con trai nói “thôi về đi bố”, đã bần thần nhớ lời thoại ngắn khi cô y tá dịu dàng nói với người cha phải bắt 160.000 con cá với giá bán 5.000 đồng/con để có đủ số tiền chữa trị… Ai cũng có quyền mơ về điều kỳ diệu dù không có nó trong thực tế; các nhân vật trong phim - giống như trong đời thường - không hề oán trách số phận, không đổ lỗi, không phê phán một thứ “chủ nghĩa có hậu tố izm” nào đó. Và điều đó tạo sức mạnh cho điện ảnh. Song, đáng tiếc các bậc giám khảo khả kính đã khước từ bộ phim với lý do cách kể chuyện cũ, rề rà, không có cao trào, tiết tấu chậm, không hấp dẫn khán giả. Thậm chí có nhà phê bình phim được coi là “nổi tiếng” còn cho rằng đây là một bộ phim làm theo kiểu nhà nước cách đây 1, 2 thập niên… nghĩa là những gì chúng ta từng sống, từng đam mê của “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đều không phải là sáng tạo? Phải chăng chỉ có những cao trào đấm đá, máu chảy đầu rơi, những cảnh đồng tính… mới “cần và đủ” cho sự thành công của nghệ thuật thứ bảy. Như một đạo diễn từng du học ở Pháp đã thổ lộ rằng khi người ta chỉ thích xem phim hấp dẫn, mới mẻ, lôi cuốn mà quên đi những giây hình tĩnh lặng đầy tự sự, và khi sự cô đơn của người làm nghề không được chia sẻ thì không biết nền điện ảnh sẽ đi về đâu?

Chuyện thứ hai là chuyện cấp phép biểu diễn bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát này nổi tiếng đến mức ai cũng biết, cũng hát, thậm chí nó còn được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa lớp 9, thế mà bỗng dưng phát hiện chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Người ta nói tới những điều bất hợp lý, cứng nhắc, cung cách làm việc theo kiểu xin - cho của cơ quan quản lý văn hóa. Tất cả đều đúng và đúng nữa khi người ta đặt câu hỏi tại sao những điều tốt đẹp lại khó thực hiện đến vậy trong đời sống? Phải chăng muốn gì cũng phải làm đơn “xin” (kèm phí) để “cho” phép người ta sống lương thiện, tử tế hơn? Tất nhiên cấp phép là quyền của Cục Nghệ thuật biểu diễn theo các văn bản pháp quy, nhưng chúng ta biết kiếm tìm bài nào được phép phổ biến bài nào không khi chính trang web chính thức của cục này còn lẫn lộn các bài hát của nhạc sĩ Văn Cao… thành tác phẩm của nhạc sĩ Văn Chung. Chỉ có thể thở dài, thôi mình chỉ có thế thôi, cứ sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng và “không quản được thì cấm”… Và thật sự chỉ có ổ bánh mì của bà cụ già ở góc đường đó là vẫn giữ nguyên hồn cốt, vẫn nguyên mùi vị thơm ngon suốt bao năm!

Tin cùng chuyên mục