Rõ ràng trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển, tiếp cận tới từng người qua thiết bị di động, văn hóa đọc nói chung, thư viện nói riêng gặp khó khăn rất lớn trong việc giành lại độc giả.
Câu chuyện thư viện vắng hắt hiu, sách vở mốc meo, thủ thư nơi có nơi không… không còn là cá biệt. Ngay ở nhiều thành phố lớn, đối tượng đến với thư viện cũng khu biệt đa phần là sinh viên - đối tượng cần một chỗ ngồi học và lượng người đến đây chỉ tăng lên vào dịp gần mùa thi. Thư viện ở các trường học cấp phổ thông, cấp tiểu học còn “thảm” hơn khi nhiều nơi thư viện chỉ cơ cấu cho có chứ không có nổi chục chỗ ngồi cho các em.
Không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất mà chất lượng tài liệu của các thư viện cũng đang là vấn đề cần được quan tâm. Trước đây, sách vở còn hiếm hoi thì việc vận động góp sách, trao đổi sách hay tận dụng nguồn sách nộp lưu chiểu… cũng làm cho nội dung của thư viện trở nên sinh động và phong phú. Nay, khi yêu cầu tra cứu tài liệu cao hơn, đòi hỏi độ chuyên sâu, mở rộng ra nhiều ngôn ngữ hơn thì thư viện đã không còn đáp ứng được nên người có nhu cầu chuyển sang làm bạn với Internet. Chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm được nhanh chóng thông tin mình cần. Vì thế, nhiều người sẽ chọn cách này hơn là cất công lên thư viện, rồi phải làm thẻ, tra cứu sách…
Có lẽ bởi vậy mà người đọc ngày càng thờ ơ với thư viện, không thích cách đọc sách báo, tìm kiếm thông tin theo kiểu truyền thống. Điều này đòi hỏi không chỉ chủ động đổi mới phương thức hoạt động, bằng cách nâng cao trình độ nghiệp vụ, biến thư viện thực sự trở thành một kho tri thức cung cấp tài liệu phục vụ quá trình đào tạo và tự đào tạo, mà còn cần đổi mới để thực sự trở thành một không gian phát huy sáng tạo và truyền cảm hứng học tập nghiên cứu.
Trước thực trạng của ngành thư viện, ngày càng nhiều người đặt câu hỏi, có cần phải đến thư viện để đọc sách nữa không khi giờ đây với sự hỗ trợ của công nghệ, mọi người có thể đọc sách trên điện thoại, máy tính… Câu hỏi này cũng không hẳn là không có lý khi mà ngày càng nhiều thư viện tồn tại giống như một “kho” giữ sách.
Ai cũng hiểu, trong kỷ nguyên công nghệ thì rõ ràng cuộc cạnh tranh giành người đọc của các thư viện truyền thống, của sách và tài liệu giấy với sách điện tử, thư viện thông minh… là không tránh khỏi, song đó không phải là con đường dẫn tới sự “diệt vong” của thư viện truyền thống mà ngược lại. Ở, nhiều nước trên thế giới, thư viện vẫn giữ vai trò của kho tri thức nhân loại, có vị trí quan trọng trong đời sống. Tất nhiên, để có được sự tồn tại và phát triển thì chính các thư viện cũng đang tự đổi mới, thân thiện hơn, đáp ứng nhanh và chính xác nhu cầu của bạn đọc. Cụ thể như ở Hàn Quốc, thư viện có sự chuyên biệt cho các đối tượng. Thư viện dành cho trẻ em không chỉ có sách giấy đơn thuần mà còn có sách điện tử, sách cảm ứng có thể tỏa hương… Cũng tại thư viện này, trẻ em rất hào hứng khi được tận hưởng nhiều thành quả của công nghệ hiện đại trong việc đọc, việc chơi và ngay cả phụ huynh đi cùng cũng có chỗ để thư giãn, cùng học, cùng đọc. Hay như thư viện của Quốc hội Hoa Kỳ, mỗi thủ thư không chỉ là người trông giữ sách đơn thuần mà còn được ví như các chuyên gia về quản lý tư liệu. Với mỗi yêu cầu tìm hiểu tư liệu được đưa ra, theo từng cấp độ, họ có thể chỉ ra chính xác những tài liệu cùng chủ đề với nhiều ngôn ngữ, loại hình khác nhau…
Rõ ràng, trong dòng chảy chung của thư viện trên thế giới thì thư viện trong nước vẫn đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tuy đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, trong đó khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ thư viện với sự thay đổi còn hạn chế, thiếu các kiến thức chuyên môn, quản lý, hoạt động trong môi trường hiện đại…
Người làm thư viện không phải không nhận ra điều đó. Việc triển khai số hóa tư liệu cũng đã thực hiện ở một số địa phương. Nhiều thư viện đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số… nhưng còn nhỏ lẻ và gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở cũng như bản quyền nên hiệu quả vẫn chưa tốt.
Do vậy, nếu chỉ gia tăng đơn thuần về số lượng thư viện mà không đầu tư chuyên sâu, về chất lượng tài liệu cũng như đào tạo kỹ năng của người làm thư viện thì chắc chắn khoảng cách giữa thư viện trong nước với cộng đồng thư viện thế giới sẽ ngày càng nới rộng. Nếu không có đột phá trong quản lý, quản trị ngành thư viện để tất cả hệ thống thư viện Việt Nam trở thành thư viện công cộng cho tất cả mọi người dân tiếp cận ở mọi nơi, mọi lúc… thì cuộc chiến giành độc giả sẽ còn rất gian nan.