Ông Chín Chén tên thật là Nguyễn Trung Tính, trước giải phóng, ông sống bằng nghề lái tàu đò, chạy tuyến Cầu Mới - Vĩnh Long - Trà Vinh. Gia đình ông có công với cách mạng, thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men vào vùng giải phóng. Ông có thói quen uống rượu đế bằng chén, uống đến 9 chén rượu mà vẫn chưa say, nên mọi người gọi là ông Chín Chén.
Đãi bạn thương hồ ăn tết sớm
Đã hơn 20 năm, cứ mỗi sáng tinh mơ, khi sương mù còn giăng giăng trên dòng sông Măng Thít, gió sớm mai đã thổi hiu hiu lành lạnh làm rụng rơi những chiếc lá bần vàng hoe, trôi lững lờ theo con nước ròng nước lớn.
Khi bầy chim hót ríu rít trên cây bần như đồng hồ báo thức, Út Phước con trai út của ông Chín Chén đã thức dậy từ lâu, lui cui lo sắp soạn lên chiếc bàn đá đặt sẵn bên hiên nhà, nào là bình thủy nước sôi, mì tôm, bánh kẹo, trái cây. Vườn nhà có thứ nào mang ra thứ nấy: chuối, cam, quýt, mãng cầu, bưởi, cam, xoài…, hôm nào có quầy dừa nạo trên cây, cũng hái xuống mang ra luôn.
Có một thứ không thể nào thiếu được đó là can rượu đế 10 lít với mấy cái chén, cái tô và vài đôi đũa. Đặc biệt năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày giáp tết, bà Chín Chén tự tay làm mấy thứ mứt bằng những cây trái có sẵn trong vườn: mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt gừng.
Tất cả được Út Phước đặt trong cái mâm rất trang trọng. Để lát nữa ông Chín Chén đãi miễn phí bạn thương hồ gần xa khi ngang qua đây.
Xong đâu đó, Út Phước mang cái ghế dựa đặt cạnh bờ sông, để lát nữa ông Chín Chén ra đó ngồi đón bạn thương hồ, rồi mới ra khỏi nhà đi dạy học tại một ngôi trường trong xã nhà.
Bà con chòm xóm thường nói với Út Phước: Sao không khuyên ông Chín làm chi cái việc bao đồng đó, vừa tốn sức lại còn tốn của.
Út Phước chỉ biết cười trừ: “Ngày xưa ba cực khổ với con cái nhiều lắm. Thôi để ba sống theo sở thích cho vui tuổi già. Với lại có tốn bao nhiêu đâu, cũng như làm điều thiện vậy mà”.
Nghe tiếng Út Phước đẩy xe ra khỏi nhà, ông Chín Chén tay cầm tờ báo đủng đỉnh từ trong nhà bước đến chiếc ghế đặt cạnh bờ sông, nheo mắt nhìn dáo dác, xem coi có ai sắp chèo đến.
Nhiều khách thương hồ mới gặp, họ tưởng ông già buôn bán tạp hóa lặt vặt kiếm vài đồng cho vui, với lại thấy vẻ mời mọc quá đỗi ân cần của ông, thôi thì ghé vào ủng hộ.
Nhưng khi nghe ông Chín Chén nói, mọi người mới chưng hửng: “Sáng sớm làm tô mì gói cho đỡ đói nghen, hay ăn bánh mứt thứ gì cũng được, rồi làm chén rượu ấm lòng cho thấy tết dìa sớm. Qua đãi chớ hổng có buôn bán gì hết”.
Tưởng ông nói vậy cho vui lòng khách đến, nhưng khi trả tiền, ông nhất định không lấy, còn dặn dò: “Lần sau có ngang qua đây, nhớ ghé vào nhậu chơi với ông già này cho vui”.
Nhiều người qua lại trên khúc sông Măng Thít lâu dần đã quen với nghĩa cử hào sảng của ông, giúp người qua lại trên sông chẳng hề tính toán tư lợi cho riêng mình.
Họ thường xuyên ghé lại, không phải để được ăn, được uống rồi không trả tiền, mà họ ghé lại để thấy ông cười, nụ cười móm mém mà rất đỗi cảm tình. Để nghe ông nói những điều sâu lắng tình đời. Nhứt là những khách thương hồ đã từng ghé lại với ông Chín Chén rồi, thì vào những ngày giáp tết, có dịp ngang qua bến sông này, thế nào họ cũng ghé lại để cùng ông ăn tết sớm, để được ông chúc tết những điều may mắn và lì xì mấy miếng mứt gừng, mứt dừa lấy hên cho cả năm sau.
Hơn nữa cũng là dịp khách thương hồ bày tỏ lòng tri ân đối với nghĩa cử tốt đẹp của ông. Ông Chín Chén đã để lại trong tâm tư tình cảm mọi người sự cảm nhận một tấm lòng nhân hậu bao la của ông già... dân chơi miệt vườn thứ thiệt!
Có nhiều người thắc mắc hỏi, nguyên nhân nào ông “bày bàn đá” đãi khách thương hồ suốt một thời gian dài không ngơi nghỉ, ông cười móm mém trả lời: “Những năm đầu giải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, bà con nhọc nhằn, đầu tắt mặt tối, ngược xuôi tìm kế mưu sinh. Qua biết có người suốt ngày chèo tam bản, bơi xuồng mà trong bụng không có hột cơm, khát nước thì vốc nước sông lên uống, thương lắm…”.
Giọng ông Chín Chén chừng như nghẹn lại, ông thẫn thờ nhìn dòng sông Măng Thít với những dề rau mát trôi xuôi lững lờ mà không nói nên lời.
“Như qua đây, gần cả cuộc đời xuôi ngược sông hồ, lắm lúc thèm một chén rượu thơm lừng, tu một hơi cho đã, một ca nước mưa mát lòng cơn khát, một điếu thuốc rê đốt cháy cơn ghiền và một vắt cơm nguội với muối thôi… có gì bằng. Những điều ngỡ như quá đơn giản và bình thường ấy, nhưng đối với những người lỡ bước đường xa, mái chèo thấm đẫm mồ hôi trên dòng sông vắng vẻ, dễ tìm đâu ra”.
Vậy là kể từ năm 1976, để giúp bà con nông dân tay lấm chân bùn, cũng như bạn thương hồ qua lại trên khúc sông Măng Thít này, ông bày biện những thứ trong vườn nhà có sẵn, chỉ thêm can rượu đế với mì gói và bánh kẹo. Chút ít thôi, có tốn là bao. Ông đã từng chứng kiến những đôi mắt thèm thuồng nhìn tô mì gói mới vừa chế nước sôi như muốn ăn liền không kịp chờ chín.
Những nụ cười chân chất niềm vui khi cầm chén rượu trên tay, dè sẻn uống từng ngụm, sợ dô một trăm phần trăm cạn hết rồi lấy đâu uống nữa. Điều nhỏ nhoi trở thành quý giá với họ, làm ông cảm động đến thắt lòng.
Bởi vậy, khi nghe vợ con thủ thỉ khuyên lơn, lớn tuổi rồi, thôi nghỉ ngơi vui thú điền viên với con cháu. Nhưng khi nghĩ về những cảnh đời xuôi ngược, trong vất vả lại bừng lên ánh mắt tươi vui với nụ cười hạnh phúc khi cầm trên tay tô mì gói nghi ngút khói, chén rượu nồng nàn vừa mới rót, những miếng mứt ngọt ngào đã đưa hương vị tết về sớm với mọi người, đã làm cho họ như vơi đi nỗi nhọc nhằn, thắp lên niềm tin yêu nhỏ nhoi trong cuộc sống, ông không đành lòng dẹp cái bàn đá.
Vậy là từ ấy đến nay hơn 20 năm, chiếc bàn đá đã cũ kỹ, bạc màu theo năm tháng, còn ông thì cũng gầy gò, da mồi tóc bạc phơ của một ông già hơn 80 tuổi, trên vai vẫn còn gánh nặng chuyện nhân gian.
Vang danh “Ông Chín Chén”
Ông Chín Chén có thói quen uống rượu đế bằng chén, rượu rót tràn đầy sóng sánh, ông uống một hơi ráo trọi, trăm phần trăm luôn, uống xong ông khà một hơi dài ngon lành, nghe đã đời làm sao.
Một hôm, có chiếc sà lan vận chuyển xăng dầu từ TPHCM xuống Cà Mau, khi ngang qua chỗ ông Chín đang ngồi trên chiếc ghế dựa chờ khách thương hồ, ông vội vẫy tay mời chiếc sà lan dừng lại giải lao, uống vài chén rượu, ăn trái cây cho đỡ mệt. Thấy ông già nhiệt tình mời mọc, anh em trên chiếc sà lan neo lại, lên bờ với ông.
Ông Chín chỉ vào can rượu với bình trà, hóm hỉnh: “Muốn thứ nào thì chơi thứ đó. Qua đãi”. Thấy ông già vui vẻ mà còn có phong cách “đại ca” miệt vườn hay hay, mấy anh sà lan cười thích thú: “Thì mần vài chén rượu đế cho đời phiêu lãng”.
Ông Chín liền rót đầy chén rượu, làm cái trót ngọt xớt rồi cười tươi nói với mọi người: “Uống rượu là để biết điều hay lẽ phải, là để kết tình nghĩa anh em tứ hải giai huynh đệ. Không phải uống rượu rồi mượn rượu làm điều trời ơi. Bởi vậy, ai uống được bao nhiêu thì tùy nghen, không ép”.
Ông lần lượt đưa chén cho từng người tự rót. Bên sà lan có 3 người, thì 2 người mới đến chén thứ 5 đã nằm lăn quay ra nền cỏ, người thứ 3 còn lại, thuộc vào tay có tửu lượng không phải vừa, nhưng khi uống đến chén thứ 8 đã thấy trời đất đảo điên quay cuồng.
Ông Chín tiếp tục uống chén thứ 9 mà vẫn tỉnh queo. Thấy vậy, gã bên sà lan chỉ kịp chắp tay xá ông Chín tôn làm sư phụ rồi nằm vật ngay tại chỗ say mèm, hết biết trời đất.Từ đó tiếng đồn lan xa, ông được mọi người gọi là ông Chín Chén.
Ông Chín Chén còn có thêm một đức tính rất đáng trân trọng mà hiếm ai có được, đó là mỗi khi nghe nơi đâu có tiếng trống đám ma, hoặc nghe ai nói nơi nào có người qua đời, ông đi đến ngay không cần quen hay lạ.
Nếu đến nơi người chết chưa được tẩm liệm thì ông hướng dẫn người nhà thực hiện tẩm liệm đúng theo nghi thức, lễ nghĩa. Nếu như gia đình đang tổ chức lễ tang, thì ông nguyện cầu cho vong linh người quá cố sớm siêu thoát, sau đó chia buồn cùng tang quyến, thắp nhang phúng điếu xong rồi ra về.
Đặc biệt, trong xóm có ai bệnh đau hoặc phụ nữ chuyển dạ sinh đẻ, gặp trong vùng sâu vùng xa làm gì có xe chuyển đi bệnh viện cấp cứu, ông Chín Chén liền điều chiếc tàu đò của mình đưa đi ngay. Họ chỉ đổ xăng thôi, ông không lấy tiền đò.
Cũng vì lòng thương người, nếu như hai ông bà không có võ nghệ cao cường, suýt chút nữa bị cướp giết chết. Nguyên nhân là ông Bảy Kiểm nhà ở gần ông Chín Chén, thấy bến sông nhà mình bị sạt lở nhiều quá, nên ông Bảy Kiểm kêu chiếc xáng cạp đến cạp đất dưới sông bồi bến bãi.
Ông Chín Chén thấy hai người làm dưới chiếc xáng cạp cực khổ, nên chiều chiều ông kêu họ đến nhậu chơi với ông, lâu dần trở nên thân quen. Không ngờ hai tên này đã lấy ân báo oán, lộ nguyên hình là hai tên cướp.
Nhưng chúng đã gặp hai ông bà Chín Chén là bậc thầy võ nghệ cao cường ở xứ này, chưa cướp được thứ gì đã bị hai ông bà đánh cho một trận tơi tả rồi bị công an bắt giam.
Ngày xét xử hai tên cướp tại huyện Tam Bình, ông Chín Chén đã làm đơn bãi nại và xin tòa tha bổng cho hai tên cướp. Gần tết rồi, cho nó về đoàn tụ với vợ con, gia đình thêm vui. Ông Chín Chén chỉ yêu cầu mỗi một điều, hai tên cướp hãy hứa là tu tâm hối cải trở thành người tốt.
Người ta quý ông Chín Chén không phải vì ông có tửu lượng cao thủ uống đến 9 chén rượu, mà mọi người quý ông Chín Chén ở cái đức độ, cái tình người, tối lửa tắt đèn có nhau.
Và cũng từ đó, nhiều khách thương hồ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long nghe đồn về ông Chín Chén, nên mỗi khi có dịp ngang qua bến sông Măng Thít nhà ông là ghé lại để vinh dự được uống rượu với ông, không phải để thi thố tài uống rượu, mà để học tập nơi ông cái nghĩa khí mộc mạc mà chân tình, thật thà mà ngay thẳng của người Nam bộ.
Nhưng cũng phải nói rằng, chưa có ai uống rượu vượt qua nổi 9 chén với ông.